Tiếng kêu của bò

GD&TĐ - Trong hơn một tuần qua, những người nuôi bò sữa ở Lâm Đồng rất hoang mang khi đàn bò của họ lần lượt bị ốm rồi chết.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong hơn một tuần qua, những người nuôi bò sữa ở Lâm Đồng rất hoang mang khi đàn bò của họ lần lượt bị ốm rồi chết. Tiếng kêu của bò cũng chính là tiếng kêu của người nuôi bò sữa ở địa phương này.

Tính đến chiều 13/8, trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã có 6 con bò sữa của 3 hộ dân có biểu hiện tiêu chảy - căn bệnh mà hơn một tuần qua, tỉnh Lâm Đồng và Cục Thú y của Bộ NN&PTNT đã phải lao tâm khổ tứ để tìm nguyên nhân. Như vậy là, hiện tỉnh Lâm Đồng có 3 huyện gồm Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và TP Bảo Lộc có bò sữa bị nhiễm bệnh và chết.

Từ ngày 14/7 đến ngày 2/8, các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu và bò trong tỉnh. Đã có trên 30 ngàn con trâu, bò, trong đó có hơn 9 ngàn con bò sữa được tiêm miễn phí loại vắc-xin NAVET-LPVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương cung cấp và nằm trong gói thầu “Mua vắc-xin, hóa chất phòng chống dịch bệnh động vật năm 2024 của tỉnh Lâm Đồng”.

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm ở trâu, bò, thường xuất hiện và bùng phát vào mùa nóng ẩm nên tiêm phòng cho đàn gia súc để phòng ngừa của tỉnh Lâm Đồng là việc bình thường.

Điều bất thường là ở chỗ, sau khi tiêm vắc-xin này, có đến 5.350 con bò sữa lăn ra ốm, chiếm gần 60% số bò được tiêm phòng, trong đó có 237 con bị chết - tính đến ngày 12/8. Hầu như địa phương nào tiêm vắc-xin cho trâu, bò cũng xuất hiện trường hợp bò sữa bị ốm, phổ biến nhất là tiêu chảy rồi kiệt sức và chết.

Tại cuộc họp báo hôm 13/8, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sỹ Bích nói rằng, đây là lần đầu tiên đàn bò sữa ở Lâm Đồng được tiêm loại vắc-xin nói trên.

Tuy nhiên, ông Bích cũng thông tin thêm là, trước đó, loại vắc-xin NAVET-LPVAC cũng được tiêm cho 1.000 con bò sữa ở Long An và 1.000 con bò sữa ở Thái Nguyên nhưng không có những biểu hiện như ở Lâm Đồng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin với báo chí hôm 11/7, việc tiêm vắc-xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương có sự ảnh hưởng đến bò bị bệnh tiêu chảy.

Để cứu đàn bò sữa, tỉnh Lâm Đồng và ngành Thú y đã huy động toàn bộ lực lượng xuống các địa bàn có bò chết để dập dịch đồng thời tạm ngừng toàn bộ việc tiêm vắc-xin cho bò sữa của địa phương này. Đến nay đã có gần 600 con bò sữa được phục hồi do sử dụng đúng phác đồ điều trị của cơ quan chuyên môn.

Chuyện rủi ro trong quá trình tiêm ngừa cho gia súc là điều vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, với đàn bò sữa ở Lâm Đồng thì việc rủi ro như thế là quá lớn. Mỗi con bò sữa hiện nay có giá từ 40 - 60 triệu đồng.

Nhiều gia đình trắng tay khi đàn bò sữa của họ bị chết sau khi tiêm phòng vắc-xin. Đa số người nuôi bò đều vay ngân hàng nên chuyện mắc nợ ngân hàng sau sự cố này là điều khó tránh khỏi.

Cả tỉnh Lâm Đồng hiện có 24.600 con bò sữa với hàng ngàn hộ nuôi bò. Cần sớm ngăn chặn triệt để tình trạng bò sữa chết hàng loạt do tiêm vắc-xin để có hướng xử lý tiếp theo về công vệc phòng bệnh cho đàn bò.

Nhà nước và doanh nghiệp cung cấp vắc-xin cũng cần có động thái hỗ trợ phần nào để vực dậy đàn bò sữa sau sự cố nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.