Nuôi bò sinh sản giúp người dân thoát nghèo

GD&TĐ - Dự án mô hình chăn nuôi bò sinh sản được quan tâm và nhân rộng, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có sinh kế lâu dài.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, cán bộ xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) thường xuyên kiểm tra theo dõi sự phát triển của đàn bò. Ảnh: Hà Linh
Cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, cán bộ xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) thường xuyên kiểm tra theo dõi sự phát triển của đàn bò. Ảnh: Hà Linh

Trao “cần câu”, tạo sinh kế

Hà Giang là vùng đất có lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là đối với nuôi bò vàng ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, thời gian qua, tỉnh Hà Giang cũng đã áp dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ dân thoát nghèo như cung cấp cây trồng, con giống, vay vốn với lãi suất ưu đãi giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Việc hỗ trợ con giống như trâu, bò, dê, lợn sau khi triển khai đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của hầu hết các hộ dân được thụ hưởng chương trình.

Sơn Vĩ là xã biên giới của huyện Mèo Vạc, có 19 thôn, trong đó có 9 thôn giáp biên; có hơn 1.300 hộ với hơn 7.800 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình chia cắt, chủ yếu là núi cao, vực sâu, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế.

Chính vì vậy, để nâng cao đời sống của người dân, xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh. Đặc biệt là triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Gia đình ông Giàng Chứ Sình, thôn Lẻo Chá Phìn B, xã Sơn Vĩ, là một trong 20 hộ đang được thụ hưởng Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia được xã Sơn Vĩ triển khai tại thôn.

Thực hiện Dự án này, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 18,4 triệu đồng mua bò sinh sản. Khi được thôn thông báo gia đình nằm trong đối tượng thụ hưởng của Dự án, gia đình ông đã trồng thêm 0,5ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, chuồng trại cũng được gia đình tu sửa lại.

Ông Sình, chia sẻ: Từ khi được hỗ trợ bò, gia đình tôi tập trung chăm sóc để bò sinh trưởng, phát triển tốt, sớm sinh bê con. Tôi hy vọng đây sẽ là điều kiện giúp gia đình thoát khỏi hộ nghèo trong năm tới.

Gia đình anh Sùng Mí Phứ, thôn Lũng Hoà B, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn trước kia là một trong 34 hộ nghèo của xã, được tiếp cận với dự án sinh kế với mức hỗ trợ là 15 triệu đồng mua một con bò giống.

Sau khi mua về anh Phứ được các cán bộ xã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng… Với 5 tháng chăn nuôi bò quy mô từ 3 – 5 con đến nay anh Phứ đã chú ý hơn tới nguồn dinh dưỡng, thức ăn cho bò, phòng bệnh và che chắn chuồng trại; nuôi, nhốt để đàn bò khoẻ và phát triển nhanh. Anh Phứ cho biết phấn đấu trong năm nay gia đình sẽ thoát nghèo.

Mô hình nuôi bò liên kết của người dân xã Yên Định (Bắc Mê). Ảnh: Hoàng Tuyến

Mô hình nuôi bò liên kết của người dân xã Yên Định (Bắc Mê). Ảnh: Hoàng Tuyến

Tiếp tục triển khai “đòn bẩy” thoát nghèo

Tại huyện Bắc Mê đang triển khai Dự án Nuôi bò liên kết theo chuỗi giá trị thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025 cho 51 hộ thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo với tổng số 87 con bò được giao cho các hộ tham gia tại 3 xã: Yên Định, Minh Sơn, Minh Ngọc, trong đó xã Minh Sơn được giao 44 con/32 hộ; xã Yên Định 22 con/11 hộ; xã Minh Ngọc 21 con/8 hộ. Các hộ dân tham gia dự án được nhà nước hỗ trợ tiền giống 80%.

Mục tiêu của Dự án là đến năm 2025 có sản phẩm đầu ra, tổ chức thu mua sản phẩm; năm 2026 chuỗi giá trị bò sinh sản phát triển ổn định; mở rộng quy mô, hình thành và phát triển chuỗi giá trị sinh sản, bò thịt, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Từ đó, giúp người dân hình thành tư duy phát triển chăn nuôi bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo và ổn định cuộc sống.

Để triển khai hiệu quả Dự án, có thể nhân rộng trên địa bàn, UBND huyện Bắc Mê chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của bò được giao.

Trực tiếp hướng dẫn các hộ tham gia các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống rét; cách xây dựng chuồng, trại đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

Đồng thời chủ động dự trữ, nguồn thức ăn có chứa tinh bột; tuân thủ đúng các quy định đối với đơn vị liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Dự án hỗ trợ bò giống để giảm nghèo đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh Hà Giang được người dân và chính quyền đánh giá là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Những Dự án này đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tiếp thêm động lực cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế; đồng thời, mang đến cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân mỗi năm.

Năm 2023, Hà Giang thực hiện giải ngân 450 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 92,63% kế hoạch. Trong năm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 7,34% vượt kế hoạch đề ra, vùng lõi nghèo có bước phát triển mới, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Năm 2024, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4%, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.