Cảm thụ văn học

Tiếng đàn mưa và… nỗi niềm khách tha hương

GD&TĐ - Bích Khê là gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới (1932 – 1945), được đánh giá cao với những bài thơ đặc sắc, giàu tính nhạc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Tiếng đàn mưa” nằm trong tập thơ “Tinh hoa” là thi phẩm tiêu biểu của Bích Khê, hiện diện trong sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập một, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thuộc bài học số 2 với chủ đề Những cung bậc tâm trạng.

Mưa giăng mắc không gian

Bài thơ mở ra khoảng không gian với tiếng mưa rơi, mưa xuống, mưa rả rích. Mưa khắp mọi nẻo, mọi góc, xuống lầu, xuống thềm lan, ngoài nẻo dặm ngàn, ngoài nội trên ngàn; lầu, đầm, đồi… tiếng mưa trải rộng, kéo dài. Bích Khê đã vẽ ra bức tranh cảnh sắc đất trời với nhiều sự vật, hiện tượng phụ họa cùng mưa. Âm hưởng hai câu thơ bảy chữ hài hòa, cân đối bởi lối nói điệp ngữ, điệp cấu trúc câu đặc sắc.

Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng/ Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan; rồi thì Lầu mưa xuống, thềm lan mưa xuống/ Cùng nước non mưa rụng hoa xuân; Đầm mưa xuống, nẻo đồi mưa xuống/ Bóng dương tà… rụng bóng tà dương… Phép điệp theo lối tăng tiến giữa hai vế trong mỗi câu và giữa các câu tạo nên điệp khúc diễn tả những cơn mưa nối dài, đem đến cảm giác liên tiếp, dồn dập.

Mưa càng lúc càng nhiều. Từ mưa xuất hiện 19 lần. Mưa giăng mắc muôn nơi, xâm chiếm toàn bộ không gian. Cảnh vật tắm trong muôn trùng hạt mưa xuân. Các động từ “xuống”, “rụng”, “rơi”, “rả rích”… trở đi trở lại trong suốt bài thơ (rụng: 4 lần, xuống: 5 lần, rơi: 6 lần, rả rích: 2 lần) thật sự tạo ấn tượng ở người đọc, qua đó nhấn mạnh đặc điểm, tính chất khi miêu tả, cảm nhận tiếng mưa của đất trời.

Mưa rơi trên những bông hoa, thềm nhà, thềm hoa lan; mưa phủ khắp cánh đồng, núi đồi, dưới đầm, trên ngàn. Cả không gian, cảnh vật lúc này đều tắm trong muôn trùng giọt mưa, hạt mưa, cơn mưa. Mưa rơi thẳng, rơi nghiêng, mưa đều đặn, cứ rả rích, rơi rơi. Mưa từ trong ra ngoài, từ gần đến xa, từ hẹp đến rộng, từ những gì bé nhỏ gần gũi, quen thuộc (lầu, thềm) đến không gian rộng lớn, vĩ mô (nước non). Ở đâu, nơi nơi đều có mưa; mưa giăng giăng, mưa bao phủ, mưa ghé thăm, mưa làm dày thêm, trắng xóa…

Mưa làm nới giãn, bàng bạc, lan rộng không gian và mưa trải dài, dai dẳng suốt thời gian. Dường như ở đây có sự kết nối, cộng hưởng liên hoàn: Thời gian mưa càng kéo dài thì không gian càng mở rộng ra thêm. Từ Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng cho đến Càng mưa rơi càng tịch bóng dương là cả độ dài thời gian vời vợi. Thi nhân không nói rõ cơn mưa bắt đầu lúc nào, chỉ biết rằng khi bóng Mặt trời lúc sắp lặn hẳn (Bóng dương tà… rụng bóng tà dương) thì vẫn càng mưa rơi.

Nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ là ở chỗ, khi miêu tả, cảm nhận thiên nhiên, Bích Khê đã sử dụng bút pháp dùng cái động để nói cái tĩnh một cách tinh tế. Vạn vật xung quanh có lắng lại, yên vắng, tĩnh lặng thì mới lắng nghe trọn vẹn âm thanh tiếng mưa.

Những sự vật hiện tượng lúc này chỉ phụ họa cùng mưa, đất trời chỉ có tiếng mưa rơi. Chăm chú lắng nghe, nắm bắt trọn vẹn từng khoảnh khắc, từng hợp âm của tiếng mưa rơi để rồi bằng tâm hồn nhạy cảm, da diết, nhân vật trữ tình gọi đó là tiếng đàn mưa. Mưa xuống, mưa rơi, mưa rụng nghe như tiếng đàn với đầy đủ âm sắc, cung bậc.

Cần chú ý rằng, ở đây, Bích Khê không miêu tả tiếng mưa mà là tiếng đàn mưa. Điều đáng nói là dù mưa không dứt, mưa phủ trắng mọi nẻo, mọi lối, mọi cảnh vật nhưng vẫn không hề ồn ào với những âm thanh, tiếng động mạnh đem đến cảm giác rộn ràng, tức tưởi. Giữa không gian đất trời mùa Xuân, tiếng đàn mưa ấy cất lên với âm hưởng du dương, êm dịu.

Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng

Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan

Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn,

Nước non rả rích giọng đàn mưa xuân

Lầu mưa xuống, thềm lan mưa xuống

Cùng nước non mưa rụng hoa xuân

Mưa rơi ngoài nội, trên ngàn

Nghe trong ý khách giọt đàn mưa rơi

Sử dụng thể thơ song thất lục bát với các biện pháp tu từ điệp thanh, điệp ngữ, đảo ngữ; cách ngắt nhịp 3/4 ở hai câu thất, nhịp chẵn ở hai câu lục, cách gieo vần chân, vần lưng trong mỗi khổ thơ… tạo nên nhạc tính vừa đều đặn, vừa du dương, tha thiết phù hợp âm hưởng của bản đàn, tiếng đàn mưa. Với số lượng câu chữ không nhiều, ngôn từ giản dị, hình ảnh trong sáng… Bích Khê đã vẽ lên bức tranh thơ, âm thanh tiếng mưa trở nên có sinh khí, có hồn… Đó là tiếng đàn mưa, bản hòa âm huyền ảo giữa đất trời.

tieng-dan-mua-va-noi-niem-khach-tha-huong-1.jpg
Ảnh minh họa.

Nỗi niềm của khách tha hương

Tiếng mưa rơi nghe như tiếng đàn vọng âm, triền miên, giăng mắc, bao phủ khắp không gian… đánh thức, khơi gợi nỗi niềm người xa xứ. Hẳn nhân vật trữ tình phải chăm chú dõi theo, quan sát một cách tinh tế mới lắng nghe được cả linh hồn của tiếng mưa tựa như tiếng đàn.

Bích Khê là nhà thơ trong phong trào Thơ mới chuyển sang bến bờ tượng trưng, siêu thực khá lớn. Tiếng đàn mưa với những hình ảnh tượng trưng mang đến trường liên tưởng mênh mông trong lòng người đọc. Tiếng đàn mưa cất lên giữa đất trời hay đó là tiếng lòng, những xúc cảm, nhạc điệu của một tâm hồn đa cảm, đa mang, đa sầu.

Tiếng đàn mưa là khúc nhạc lòng bâng khuâng, man mác. Mưa rụng, mưa rơi, mưa xuống, mưa rả rích dệt lên bao nỗi sầu, cô đơn, nhung nhớ trong cõi tâm hồn của người lữ khách tha hương. Hay chính xúc cảm, nỗi lòng của người xa xứ đã phả lên những cơn mưa xuân hóa thành tiếng đàn mưa, tiếng lòng thổn thức của khách tình si trong niềm quê bất tận! Giữa mênh mang cõi nhớ, khách bắt gặp tiếng đàn mưa ngân dài, kết đọng lại ở bóng tà dương.

Không phải ngẫu nhiên mà ở hai khổ thơ cuối, nhà thơ nhắc đi nhắc lại bóng dương. Mưa vẫn rả rích khi chiều buông xuống. Nơi xứ xa vào đúng mùa Xuân làm sao người thơ ấy không khỏi chạnh lòng. Giờ đây không còn là tiếng mưa nơi thềm lan, ngoài nội, trên ngàn nữa… mà là mưa rơi, mưa thấm vào cõi tâm can để khơi gợi, để dệt lên muôn vàn nhớ thương: Mưa trong ý khách, mưa cùng nước non.

Hoàng hôn - nỗi nhớ nhà, nhớ quê… đã trở thành mô-típ quen thuộc trong thơ. Ngày trước, nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường khép lại Hoàng Hạc lâu bằng hai câu thơ u hoài da diết: Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Tản Đà dịch thơ: Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai), Bà Huyện Thanh Quan thì có hẳn một bài thơ mang tên Chiều hôm nhớ nhà, với hai câu kết đầy tâm trạng: Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ/ Biết ai mà kể nỗi hàn ôn?.

Trước Cách mạng tháng Tám, mang trong mình tâm sự đầy vơi của một chàng trai trẻ “đứng trên quê hương mà cảm thấy thiếu quê hương”, Huy Cận bộc bạch tâm trạng thường trực với nỗi đau đáu khôn nguôi trong một chiều lang thang dọc bờ sông Hồng: Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Tức cảnh sinh tình, nhìn cảnh chiều tà mà chạnh lòng cố hương… Cảm hứng thế sự này không mới với những tâm hồn đa cảm, với những mặc khách tao nhân. Nét đặc sắc ở đây là cách thể hiện, giãi bày của Bích Khê. Nhà thơ miêu tả muôn vàn cảnh vật đón mưa rơi. Mưa càng lúc càng nhiều. Mưa bàng bạc, mưa phủ dày, mưa lan rộng, mưa kéo dài...

Đó không đơn thuần là tiếng mưa rơi xuống không gian cảnh vật mà nó được cảm nhận bằng tất cả linh giác nên tiếng mưa có hồn cốt, có da diết, vọng âm vào thế giới xúc cảm, tâm hồn người đang nghe, đang ngắm, đang phiêu linh trong bóng tà dương xa xứ. Tiếng mưa ấy không còn vô tri mà trở thành tiếng đàn mưa. Rõ ràng ở đây có sự tâm giao, đồng điệu.

tieng-dan-mua-va-noi-niem-khach-tha-huong-2.jpg
Khu lưu niệm nhà thơ Bích Khê được xây dựng tại thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) gắn với di tích gốc là khu vườn cũ của gia đình. Ảnh minh họa: INT

Càng lúc giai điệu đàn mưa càng làm lòng người trĩu nặng, tiếng mưa không còn rơi bên ngoài mà đã rơi, đã thấm vào bên trong. Từ tiếng mưa ngoại cảnh trở thành tiếng mưa tâm cảnh. Trừ khổ thơ đầu, câu cuối của ba khổ thơ sau đều lặp lại cụm từ “nghe trong ý khách”, “mưa trong ý khách”. Tiếng mưa nghe được ý tình, nỗi niềm của khách, hay khách nghe được, cảm được từ trong tiếng mưa là cả muôn ngàn giọt nhớ giọt thương, giọt tâm tư sâu nặng?

Đó là sự cộng hưởng, tâm giao tuyệt vời tạo nên bản hòa âm giữa thiên nhiên với con người, giữa khách thể với chủ thể. Âm thanh của những giọt mưa được thổi hồn thành tiếng đàn buồn da diết, du dương. Còn nhớ, Huy Cận đã từng cảm mưa, ví von mưa bằng trái tim mẫn cảm của mình trong một đêm mưa buồn: Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi/ Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…

Nhà thơ Bích Khê đã lắng nghe, đón nhận, miêu tả tiếng mưa bằng tất cả nỗi lòng của một người xa quê. Gói trong tiếng đàn mưa ấy là nỗi nhớ nhung, lòng trắc ẩn, sự hoài niệm, niềm khát khao. Tiếng đàn mưa hay tiếng lòng khi nghe mưa; tiếng đàn mưa hay âm thanh của dòng kí ức miên man trong nỗi cô đơn, sầu thương khắc khoải.

Những câu thơ của Bích Khê gợi ta nhớ đến lời trong ca khúc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: Có khi mưa ngoài trời/ Là giọt nước mắt em/ Đã nương theo vào đời/ làm từng nỗi ưu phiền. Cả bài thơ là những cung đàn buồn. Dường như nơi quê người, tiếng mưa rơi, mưa rụng, mưa rả rích… đã khơi gợi, đánh thức miền cảm xúc, miền nhớ, nỗi u hoài của người lữ khách tha hương.

Là bài thơ hiện đại, được viết theo thể thơ song thất lục bát truyền thống, với cách gieo vần chân đều đặn lan – ngàn, dương – hương; cách lặp lại thanh điệu theo từng nhóm âm tiết bằng – bằng – trắc (lầu mưa xuống/ đầm mưa xuống/ đồi mưa xuống)… tạo nên nhạc tính cho thơ.

Đó là tiếng nhạc của đất trời thiên nhiên, tiếng nhạc lòng buồn da diết chứa đựng tâm sự của lữ khách tha hương. Chính tính nhạc, chất nhạc này giúp cho Bích Khê thể hiện một cách ấn tượng cảm xúc và đề tài vốn không phải là mới; khiến cho Tiếng đàn mưa của Bích Khê trở nên hấp dẫn, níu giữ hồn người, kết nối sợi dây đồng cảm trong lòng bạn đọc ở mọi thời đại.

Nếu như ở những dòng thơ đầu, Bích Khê vẫn còn miêu tả tiếng mưa như một khách thể của tạo vật thì ở những câu kết, giọt mưa – khách thể đó đã hòa làm một với chủ thể cảm nhận nó:

Rơi hoa hết mưa còn rả rích,

Càng mưa rơi càng tịch bóng dương

Bóng dương với khách tha hương

Mưa trong ý khách muôn hàng lệ rơi.

Đặt trọn cả cõi lòng đa cảm, đa sầu của mình vào trong tiếng mưa rơi khiến lữ khách rơi lệ. Nỗi sầu, nỗi nhớ hóa thành những hàng lệ rơi. Giọt nối tiếp giọt thành dòng, thành hàng. Lệ chảy vào trong, lệ tuôn trên khóe mắt; giọt lệ trào ra trong niềm đau cô lẻ. Lữ khách ấy có lẽ đã trải qua bao mùa mưa nơi đất vắng; qua bao mùa tịch dương mà chưa có dịp trở về quê cũ. Muôn hàng lệ rơi đã hòa vào muôn hàng giọt mưa của đất trời. Mưa thiên nhiên và mưa lòng người hòa làm một.

Bài thơ khép lại bằng dòng thơ chan chứa, trĩu nặng. Ngày trước “thánh thơ” Đỗ Phủ của Trung Quốc lận đận phiêu bạt chốn xa nên lòng nặng trĩu: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ/ Cô chu nhất hệ cố viên tâm (Nguyễn Công Trứ dịch thơ: Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ/ Con thuyền buộc chặt mối tình nhà). Vì thế, tâm trạng hoài niệm, nỗi nhớ quê cũ của lữ khách tha phương giữa bản đàn mưa trong thơ Bích Khê có sức mạnh kết nối, đánh thức sự đồng cảm trong lòng người đọc, người nghe.

Xuyên suốt trong bài thơ là hình ảnh tiếng mưa và tiếng lòng của người lữ khách tha hương. Hai chữ nước non được nhắc đi nhắc lại ba lần ở ba khổ thơ đầu để rồi khép lại trong khổ thơ cuối là muôn hàng lệ rơi. Cái tình cảm dành cho quê hương, đất nước thật da diết, nặng sâu.

Nỗi lòng người xa xứ đau đáu, khắc khoải; tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm trước cuộc đời với tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình người nặng sâu với quê nhà, với nước non… mãi mãi là những tình cảm thiêng liêng, cao quý. Vì lẽ đó, Tiếng đàn mưa của Bích Khê mãi là thi phẩm đẹp, có giá trị nhân văn sâu sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ