Cảm thụ văn học:

'Khóc giữa chiêm bao' của Vương Trọng: Một tiếng nấc nghẹn ngào

GD&TĐ - Với “Khóc giữa chiêm bao” nhà thơ Vương Trọng chỉ chọn khoảnh khắc chiêm bao gặp lại mẹ thời khốn khó.

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Với “Khóc giữa chiêm bao” nhà thơ Vương Trọng chỉ chọn khoảnh khắc chiêm bao gặp lại mẹ thời khốn khó. Lời thơ nhẹ nhàng như lời kể chuyện - những mẩu chuyện buồn đến tái tê, não nề. Tiếng thơ nhẹ nhàng mà có sức lan toả lạ kì. Chẳng cần nói nhiều, chẳng cần trau chuốt, gọt giũa câu từ mà độc giả cũng rưng rưng, nghẹn ngào cùng tác giả!

Khóc giữa chiêm bao

Tưởng nhớ Mẹ

Đã có lần con khóc giữa chiêm bao

Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó

Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở

Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.

Anh em con chịu đói suốt ngày tròn

Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa

Có gì nấu đâu mà nhóm lửa

Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về…

Chiêm bao tan nước mắt dầm dề

Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng

Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng

Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.

Con lang thang vất vưởng giữa đời thường

Đâu cũng sống, không đâu thành quê được

Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp

Con ít về từ ngày mẹ ra đi.

Đêm tha hương con tìm lại những gì

Với đời thực chẳng bao giừ gặp nữa

Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ

Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao!

1988

Nhà thơ Vương Trọng đã từng tâm sự: “Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương bởi Đỗ Phủ và Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ sinh ra không phải cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận”.

Phải chăng vì quan niệm về thơ như thế mà hầu hết các tác phẩm của ông đều để lại trong lòng độc giả những trở trăn về bao mảnh đời, số phận bất hạnh hay tâm trạng day dứt. Trong số rất nhiều thi phẩm của ông hẳn độc giả không quên bài “Khóc giữa chiêm bao”, một bài thơ viết về mẹ - người mẹ đã khuất, mẹ đã thành người thiên cổ trong cõi hư vô!

Vương Trọng sinh ra trong gia đình đông anh em, cha làm thầy đồ dạy học, mẹ gánh gồng, tảo tần chăm lo cho gia đình. Cái đói nghèo của một thời bủa vây, đeo bám đến ám ảnh khiến ông chẳng bao giờ quên.

Trong bức tranh xã hội và gia đình ngày ấy, hình ảnh người mẹ của nhà thơ có một vai trò đặc biệt quan trọng. Bà lo cho con cái việc học chữ, học làm người nhưng trước hết là lo những bữa ăn cho đàn con nheo nhóc.

Vì thế, bà luôn ngược phía chợ để bán buôn tìm bữa cho con. Hình ảnh chiều muộn, đàn con chờ mẹ với niềm mỏi mòn hy vọng là một hình ảnh rất thật của cuộc đời đã tự nhiên đi vào thơ Vương Trọng.

Làm thơ về người mẹ của mình vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì ai cũng chan chứa tình thương và nhiều kỉ niệm vui buồn về người mẹ của mình, là chỗ dựa quan trọng của thơ. Khó là vì trước mình đã có nhiều thơ hay của nhiều tác giả viết về mẹ nên những bài thơ sau dễ bị những bài đã có vùi lấp.

Một nhược điểm khi viết về mẹ là tác giả hay thống kê công ơn của mẹ. Ở đây nhà thơ Vương Trọng chỉ chọn một khoảnh khắc chiêm bao gặp lại mẹ thời khốn khó, rồi kỉ niệm thương nhớ ùa về, tác giả chỉ chọn một số chi tiết điển hình chứ không sa vào kể lể. Vì thế bài thơ có sức lắng đọng và lan toả !

Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ thực tại trở về quá khứ rồi quay về với thực tại với dòng tâm trạng trào dâng, nghẹn ngào! Bài thơ mở đầu tự nhiên, dung dị như một lời giới thiệu chân thành:

“Đã có lần con khóc giữa chiêm bao

Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó

Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở

Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn”

Hình ảnh người mẹ chỉ còn trong kí ức chợt hiện về thật rõ, thật cảm động trong giấc chiêm bao. Rồi cả tuổi thơ đói nghèo, deo dắt cứ thế ùa về trong tâm tưởng của nhà thơ. Một tuổi thơ “dữ dội” gắn với vùng quê xứ Nghệ thời tiết khắc nghiệt “mùa hạ nắng cháy da” còn mùa mưa ngập đường làng, ngõ xóm và cả cửa nhà.

Trên nền cảnh đói nghèo, khốn khó đó là hình ảnh người mẹ tảo tần sớm hôm chật vật lo miếng cơm manh áo cho những đứa con thơ dại. Hình ảnh ấy khiến trái tim tác giả nhói đau và độc giả đồng thổn thức. Và hình ảnh đàn con thơ vất vưởng, dật dờ chờ bữa cơm chiều từ phía mẹ cũng khiến ta không khỏi đau lòng:

“Anh em con chịu đói suốt ngày tròn

Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa

Có gì nấu đâu mà nhóm lửa

Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về”

Lời thơ nhẹ nhàng như lời kể chuyện - những mẩu chuyện buồn đến tái tê, não nề. Không cần thổi phồng, không cần hư cấu. Hiện thực là thế mà tâm ta cứ nhói đau! Chúng ta hình dung ra bức tranh của một gia đình nghèo chỉ có mẹ là lao động chính cùng đàn con còn thơ. Bởi thế những đứa con đang ngày ngày đối mặt với những trận đói, cơn rét. Những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác đón chờ từ phía mẹ cũng chỉ có ngô, khoai!

Câu thơ khiến lòng ta se thắt bởi sự đói nghèo mà mẹ con phải chịu đựng. Những từ láy “co ro”, “chạng vạng” vừa khắc họa chân dung những đứa trẻ đang chịu những cơn đói, cơn rét trong nền cảnh u ám, mờ mịt của buổi chiều hôm của những tháng năm cơ hàn cùng dân tộc. Trong ngôi nhà ấy chắc chắn chẳng có thứ gì để những đứa con lót dạ mà tất cả phải đợi mẹ về!...

Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ - một quá khứ ám ảnh đến muôn đời, muôn người! Cuộc sống hôm nay với nhà thơ chắc sẽ dễ chịu hơn nhiều nhưng quá vãng ấy vẫn cứ hiện về, vẫn cứ đeo bám, dây dưa. Để rồi nhắc nhở mỗi người biết nhớ về ngày xưa, chuyện xưa và trân quý những gì đang có! Thơ làm được những điều kì diệu, vượt ra ngoài câu chữ và vượt cả ra ngoài những hy vọng, khát vọng của thi nhân. Đó là những bài thơ đúng nghĩa.

Quá khứ đói nghèo hiện về vẫn khiến con tim nhà thơ thổn thức:

“Chiêm bao tan nước mắt dầm dề

Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng

Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng

Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương!”

Chiêm bao tan nhưng nỗi lòng xót xa vẫn còn neo lại. Một nỗi buồn đau cào xé tâm can. Và người con ấy gọi mẹ trong đêm vắng nơi tha hương như để tìm về hơi ấm của người xưa, của tình mẫu tử thiêng liêng, bất tử. Chỉ là một tiếng gọi mẹ thốt lên trong đêm vắng mà lay động trái tim bao người. Bởi tiếng gọi mẹ ấy chẳng bao giờ có lời đáp lại vì mẹ đã không còn, phía mẹ chỉ nhạt nhoà khói hương, hư ảo! Và chúng ta nhói đau vì hiện thực này!

Mạch cảm xúc rất tự nhiên mà thổn thức, thiết tha. Nỗi nhớ mẹ của người con đã nhạt nhòa thành dòng lệ. Những giọt nước mắt tuôn trào “dầm dề” trong đêm vắng đã lột tả được nỗi nhớ thương dồn nén bấy lâu, của những tháng năm không còn mẹ. Những ai mất mẹ rất thấu hiểu nỗi đau này. Có những khi bất chợt vì một điều gì đó, một lí do nào đó, một câu chuyện nào đó, một hình ảnh nào đó gợi trong kí ức ta về người mẹ đã đi xa cũng khiến ta dễ dàng bật khóc thành tiếng, rồi nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Tiếng thơ nhẹ nhàng mà có sức lan toả lạ kì. Chẳng cần nói nhiều, chẳng cần trau chuốt, gọt giũa câu từ mà độc giả cũng rưng rưng, nghẹn ngào cùng tác giả! Tiếng gọi “ Mẹ” thiêng liêng ấy luôn thường trực trong tâm khảm nhà thơ. Mẹ là chỗ dựa muôn đời của tác giả. Gần đây, qua trang Facebook của ông tôi có bắt gặp bài thơ “Mẹ” thật ngắn gọn mà nặng trĩu chữ tình.

“Gặp hiểm nguy bất chợt

Con thốt:

- Mẹ ơi!

Thành khói hương mấy chục năm rồi

Trong tâm thức của con

Mẹ vẫn là chỗ dựa”.

2019

Với Vương Trọng, mẹ là tất cả, là trọn vẹn tình yêu thương, là nơi níu gọi ông về. Nhưng mẹ đã không còn, quê hương cũng trở nên xa cách, người con ấy lại “lang thang”, “vất vưởng” giữa đời thường vì cuộc sống mưu sinh. Và chẳng nơi nào thay thế được quê hương yêu dấu. Có một điều ngỡ như mâu thuẫn nhưng lại thật sự logic trong cảm xúc của người con: “Đâu cũng sống không đâu thành quê được/ Còn quê mẹ cuối chân trời tít tắp/ Con ít về từ ngày mẹ ra đi!”.

“Con ít về từ ngày mẹ ra đi” không phải vì con không yêu quê, nhớ quê mà vắng mẹ ngày về của con trở thành vô nghĩa thậm chí đớn đau. Và thẳm sâu trong trái tim con chỉ có phía mẹ mới là quê hương duy nhất - nơi đó vẫn đợi con về! Dù xa quê đã lâu và nay ông đã ngoại “bát tuần” nhưng năm nào tới ngày giỗ mẹ, ông cũng về, tự tay ông thiết mâm cỗ thành kính dâng kính cụ.

Trong làn khói hương nhạt nhòa ông lầm rầm nói điều gì đó với mẹ và đôi mắt đỏ hoe. Bên ngôi mộ thân mẫu của ông bài thơ “Khóc giữa chiêm bao” đã khắc trên bia đá như minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng, bất tử. Mỗi lần cháu con viếng mộ bà đều dừng lại bên trang thơ rồi bần thần thương nhớ. Có lẽ nơi chín suối cụ sẽ rất vui vì tấm lòng thảo thơm, hiếu đế của cháu con nơi dương thế!

mot-tieng-nac-nghen-ngao-1.jpg
Nhà thơ Vương Trọng.

Trở lại với thực tại phũ phàng: Mẹ không còn nữa, một tiếng gọi “mẹ” cũng chỉ có mây gió đáp lời. Một quá khứ đói nghèo, khốn khó nhưng dù sao còn có mẹ nay chẳng còn hiện hữu. Vì thế người con chỉ mong gặp lại mẹ trong những giấc chiêm bao. Và dẫu biết rằng mỗi lần gặp mẹ nước mắt sẽ tuôn trào bởi nỗi lòng ngổn ngang trăm mối.

Là nỗi nhớ mẹ chất chồng, dồn nén bởi thời gian; là nỗi nghẹn ngào được ngắm nhìn dáng mẹ và cả những tiếc nuối vì mẹ chẳng còn cho con thêm ngày báo hiếu! Thế nhưng con vẫn tha thiết được gặp lại người. Bởi chỉ còn cách ấy để con được gần người, để được hạnh phúc trong niềm vui bên mẹ! Lời thơ chân thành đến tha thiết, đớn đau đã nói lên được nỗi khát khao tình mẹ của những người con mà mẹ đã mãi đi xa:

“Đêm tha hương con tìm lại những gì

Với đời thực chẳng bao giờ gặp nữa

Mong hình mẹ lại hiện về giấc ngủ

Dù thêm lần con khóc giữa chiêm bao”.

Tôi đã khóc mỗi lần đọc bài thơ này bởi như đọc được một câu chuyện xúc động. Bài thơ như một câu chuyện nhỏ kể cho chúng ta nghe về giấc mơ gặp mẹ của một người đàn ông từng trải rất chân thành, thiết tha với những dòng lệ “đầm đìa”, dòng cảm xúc nghẹn ngào, tha thiết.

Câu chuyện kết thúc khi giấc mơ tan, người con nhận ra đó chỉ là khoảnh khắc hiếm hoi hiện về trong giấc ngủ của người con luôn đau đáu nỗi nhớ mẹ. Ý thức được giấc mơ tan nghĩa là phút giây bên mẹ kết thúc, người con vẫn tha thiết mong mẹ lại hiện về trong giấc ngủ của mình nhiều lần nữa dù rằng mỗi lần “gặp mẹ” con lại khóc vì nhớ thương nhưng vẫn khao khát vô cùng. Câu thơ rất tự nhiên, rất mộc mạc như một lời tâm tình chia sẻ mà khiến chúng ta cũng nghẹn ngào, rưng rưng. Ta hiểu hơn nỗi lòng, tình yêu mẹ của một thi sĩ luôn nặng chữ tình.

Nhà thơ Vương Trọng được biết đến với nhiều tác phẩm có giá trị như “Bên mộ cụ Nguyễn Du”, “Hai chị em”… Trong số đó ông dành nhiều tình cảm yêu thương cho những người phụ nữ, đó là người chị dâu tảo tần mang bóng hình của mẹ:

…“Nhà chồng, chồng ở nhà đâu

Em chồng đông, mẹ chồng đau ốm nhiều

Làm dâu gặp phải cảnh nghèo

Đôi bàn tay chị chống chèo lo toan”…

(Trích “Chị dâu” - Vương Trọng)

Hay bóng dáng của người phụ nữ vì chiến tranh đã vụt mất tuổi thanh xuân đầy thương cảm:

“Hẹn một lần chờ đợi mấy ngàn ngày

Anh đi biệt phương trời không trở lại

Căn nhà rộng, ngày lẻ loi mình chị

Đêm thắp đèn cho bóng nữa thành đôi.

Cũng cơm canh, cũng bếp núc xoong nồi

Mà vắng vẻ, âm thầm lặng lẽ

Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ

Chị thiếu từng tiếng bát đũa va nhau”…

(Trích “Chị” - Vương Trọng )

Và còn nhiều câu thơ thấu hiểu và sẻ chia về những nữ thanh niên xung phong nơi “tọa độ thép” Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn đến những mảnh đời đáng thương của người mẹ dắt díu con đi hành khất, bỏ con nhờ người cưu mang nhưng cuối cùng đớn đau đi tìm con trong vô vọng! Phải chăng vì tình yêu mẹ luôn đau đáu trong tim nên thơ ông mới dạt dào cảm xúc và đồng cảm với những người phụ nữ?

Bài thơ khép lại nhưng nỗi lòng vẫn thổn thức, da diết tâm can. Ta hiểu hơn, trân trọng hơn mỗi phút giây còn có mẹ. Ta hiểu hơn, yêu hơn, trân trọng và biết ơn những người phụ nữ bên mình để sống và thể hiện tình cảm chân thành, thiết tha với họ mỗi ngày. Ta hiểu hơn tấm lòng và khát vọng của nhà thơ. Cảm ơn ông đã để lại cho đời một tiếng lòng thơ đau đáu tình người như thế!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ