Học viên, sinh viên ngay từ khi còn đang học tập ở các cơ sở đào tạo, cần chú trọng hơn nữa trong việc học ngoại ngữ để có thể cập nhật được những kỹ năng mới.
89% đánh giá ngoại ngữ quan trọng nhất
Một khảo sát mới đây của Công ty Tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks với hơn 2.500 người lao động (NLĐ) về lợi ích và hạn chế khi Việt Nam tham gia vào Cộng đồng kinh tế Asean (AEC). Theo đó, 91% số người cho biết việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ có lợi cho mình. Có 2 lợi ích được nhiều người tán thành nhất, đó là cơ hội học hỏi và tác phong làm việc.
Cụ thể, trên 52% người cho rằng, họ sẽ có thêm “nhiều cơ hội học hỏi và cọ xát với các chuyên gia và tài năng từ các nước trong khu vực ASEAN”. Khoảng 46% cho rằng, “văn hóa và tác phong làm việc quốc tế sẽ cải thiện văn hóa và tác phong làm việc hiện tại ở Việt Nam theo chiều hướng tốt hơn”. 70% trong số này cũng cho rằng, NLĐ Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với nhân lực ngoài nước khi Việt Nam gia nhập AEC.
Điểm bất lợi lớn nhất khi gia nhập AEC, khi có tới 84% người đưa ra là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam vì họ là những người thông thạo tiếng Anh. Từ kết quả khảo sát, Giám đốc điều hành VietnamWorks Gaku Echizenya nhận định: đã có một nhóm người lao động Việt Nam thiếu tự tin do khả năng ngoại ngữ kém, thiếu kỹ năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có gần 70% người trong nhóm này cho rằng, người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài một khi Việt Nam gia nhập AEC.
Để vững tin gia nhập AEC, cả hai nhóm người lao động lạc quan và bi quan về việc gia nhập AEC đều cho rằng có 3 kỹ năng quan trọng nhất mà người lao động Việt Nam cần trang bị và phát triển để sẵn sàng cho AEC. Kỹ năng ngoại ngữ được 89% số người khảo sát đánh giá là quan trọng nhất.
Thiếu đội ngũ giáo viên
Trước thực tế đòi hỏi phải nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng ngoại ngữ cho nguồn nhân lực trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, mới đây, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã đề xuất thay đổi chương trình đào tạo tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ.
Dự kiến trong năm 2016, có khoảng 6 trường đại học triển khai dạy bằng tiếng Anh trên 80% chương trình. Song, đây vẫn là bài toán khó đối với nhiều cơ sở giáo dục.
Phản ánh từ một số cơ sở đào tạo cho thấy, muốn giảng dạy bằng tiếng Anh, giáo viên không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà còn giỏi từ vựng chuyên ngành cũng như phải phát âm chuẩn. Do đó, khó khăn đầu tiên chính là đội ngũ giảng viên có thể nói dạy được bằng tiếng Anh. Hiện mới chỉ có rất ít chương trình tiên tiến, thu học phí cao là có thể áp dụng hình thức dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, sinh viên đầu vào cũng cần phải đảm bảo ngưỡng chuẩn tiếng Anh nhất định.
Các chuyên gia cho rằng, việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên giỏi tiếng Anh rất quan trọng. Tuy nhiên, đây vẫn đang là vấn đề nan giải bởi chi phí, lương bổng cho đội ngũ nhân sự, không thể đốt cháy giai đoạn cũng như để kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nói tiếng Anh được bài bản từ gốc, Bộ GD&ĐT nên có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh từ bậc phổ thông để không mất thời gian đào tạo bổ sung lại ngoại ngữ trong giai đoạn đào tạo tiếp theo.