Cùng với Chuẩn nghề nghiệp GV mầm non, Chương trình GD mầm non mới, Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi sẽ làm cơ sở để tiến tới chuẩn hoá GD mầm non, mà quan trọng nhất là các GV, các nhà trường có căn cứ để điều chỉnh các hoạt động GD của mình sao cho phù hợp với sự phát triển toàn diện của trẻ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Lan Anh - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non để hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi sẽ làm cơ sở để tiến tới chuẩn hoá GD mầm non |
PV: Bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (gọi tắt là Chuẩn 5 tuổi) sau nhiều lần dự thảo, nay đã chính thức ban hành. Liệu có cần thiết phải có “chuẩn” đối với trẻ em ở cấp tiền học đường này không?
Bà Phan Thị Lan Anh: Trong một thế giới toàn cầu hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát triển cao, tất cả các quốc gia cần phải có những công dân có đủ năng lực. Giáo dục chính là chìa khoá.
Giáo dục mầm non là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu của giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mĩ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 ( Điều 22-Luật GD)
Phát triển giáo dục mầm non là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, Đảng, Chính phủ quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển GDMN. Kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người 2003 -2015 do Thủ tướng chính phủ phê duyệt đã nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo cho tất cả trẻ em hoàn thành một năm giáo dục tiền học đường có chất lượng để chuẩn bị cho trẻ vào tiểu học.
Đề án PTGDMN giai đoạn 2006 -2015 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (Quyết định 149/2006/QĐ-TTg) xác định rõ quan điểm chỉ đạo là: “Từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp GDMN theo nguyên tắc đảm bảo đồng bộ, phù hợp, tiên tiến, gắn với đổi mới GD Phổ thông, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, góp phần tích cực thiết thực nâng cao chất lượng GD;
Đặc biệt Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2/2010 phê duyệt Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đã nhấn mạnh Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước.
Hiện nay, phần lớn các quốc gia đều quan tâm đến những năm đầu đời như điểm khởi đầu cần thiết cho một thế hệ công dân có đủ năng lực. Sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ bao gồm: Sự phát triển mạnh khoẻ cả về thể chất và tinh thần, trong đó vai trò chăm sóc, giáo dục của cha mẹ và nhà trường là hết sức quan trọng. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tiềm năng cá nhân của trẻ ngày càng được tăng lên, điều đó cần dược người lớn nhìn nhận một cách đúng mức.
Bộ chuẩn PTTE năm tuổi, giúp làm rõ những mong đợi của cha mẹ, nhà giáo dục, cộng đồng, xã hội, tạo sự đồng thuận trong chăm sóc giáo dục trẻ, thiết lập cơ sở cho việc theo dõi, đo lường trên cơ sở đó có những tác động phù hợp đối với trẻ tạo tiền đề cho những bước tiếp theo trong việc chuẩn bị sẵn sàng đến trường của trẻ mẫu giáo năm tuổi.
Bé tập làm Bác sỹ |
PV: Xin bà cho biết mục đích của việc ban hành Chuẩn 5 tuổi là gì?
Bà Phan Thị Lan Anh: Trước hết, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành để hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1. Bởi vì đây là cơ sở để cụ thể hóa mục tiêu, nội dung chăm sóc, giáo dục, lựa chọn và điều chỉnh hoạt động chăm sóc, giáo dục cho phù hợp với trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Thứ nữa, đây cũng là cơ sở để xây dựng bộ công cụ theo dõi, đánh giá sự phát triển của trẻ mẫu giáo năm tuổi
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi nhằm nâng cao nhận thức về sự phát triển của trẻ em. Trên cơ sở đó tạo sự thống nhất trong chăm sóc, giáo dục trẻ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
PV: Vâng, như vậy thì Chuẩn 5 tuổi không chỉ cần thiết cho CBQL, GV mà cả các bậc cha mẹ và cộng đồng đều nên quan tâm để phối hợp chăm sóc GD trẻ. Vậy tại sao không xây dựng Chuẩn cho các độ tuổi khác mà lại chỉ cho trẻ 5 tuổi?
Bà Phan Thị Lan Anh: Trẻ em các độ tuổi của GD mầm non đều cần có chuẩn phát triển phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, để những người chăm sóc GD trẻ có thể có cơ sở nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, việc xây dựng ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em cần có thời gian, nguồn lực (nhân lực, tài lực), vì vậy phải có lộ trình.
Trước mắt để ưu tiên cho nhiệm vụ phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định 239/2010/QĐ-TTg , Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Kế hoạch tiếp theo Bộ sẽ chỉ đạo xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em cho các độ tuổi khác trong cấp học mầm non, tiến tới chuẩn hoá GD mầm non.
PV: Xin bà cho biết lộ trình triển khai thực hiện Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi sẽ thực hiện như thế nào?
Bà Phan Thị Lan Anh: Trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập huấn cách sử dụng Bộ chuẩn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cốt cán, triển khai thực hiện ở một số địa phương đang thực hiện chương trình GDMN mới. Trên cơ sở kết quả 1 năm thực hiện Bộ sẽ tiếp tục triển khai diện rộng.
Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Nguyễn Hoàng (thực hiện)