Tiên phong đưa giống quýt ngọt về xứ Lạng phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong thời gian ở Trung Quốc, người thanh niên DT Nùng- Hà Văn Du thấy được người dân nơi đây trồng một giống quýt ngọt cho năng suất, thu nhập cao.

Những chùm quýt ngọt sai quả trong mùa đầu thu hoạch ở vườn nhà anh Du. Ảnh NVCC.
Những chùm quýt ngọt sai quả trong mùa đầu thu hoạch ở vườn nhà anh Du. Ảnh NVCC.

Anh tự đặt câu hỏi, đất đai, khí hậu nơi đây cũng giống quê mình, sao không thử mang giống cây này về trồng thử nghiệm?

Nỗi lo khi trồng thử nghiệm

Từ suy nghĩ bất chợt đó, anh Hà Văn Du ở thôn Nà Háo, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn sau khi về nước đã quyết định mang giống quýt ngọt của Trung Quốc này về trồng trong vườn nhà mình.

Anh Du chia sẻ: “Mới đầu đưa giống về mình chỉ trồng thử nghiệm 4 đến 5 cây dùng trong vườn. Vừa trồng, vừa nghiên cứu xem giống quýt này có thực sự phù hợp với đất đai, khí hậu ở quê mình không”.

Thế nhưng trời đã không phụ công anh Du, sau một thời gian trồng cây quýt ngọt phát triển tốt, thích ứng với khí hậu. Mùa đầu tiên thu hoạch, giống quýt ngọt này vẫn giữ được vị nguyên bản, quả trĩu cành.

“Tôi cũng không ngờ nó thích hợp với khí hậu ở miền núi Lạng Sơn cũng như thổ nhưỡng ở đây. Khi thu hoạch, quả to, đều, mẫu đẹp. Đồng thời, do phù hợp với khí hậu nên khả năng sinh trưởng và chống lại sâu bệnh cũng khá tốt”, anh Du kể.

Sau một thời gian trồng thử nghiệm, anh Du quyết định mở rộng diện tích trồng quýt ngọt. Theo đó, toàn bộ số đất hơn 1 héc ta đang dùng để trông như ngô, sắn, các loại rau mùa chuyển đổi thành trồng quýt ngọt.

“Do phải cần một số lượng vốn để cải tạo đất cũng như mua phân bón vợ chồng mình đã vét hết số tiền tiết kiệm bấy lâu. Sau khi đất đã cải tạo xong, mình sang Trung Quốc mua cây giống về trồng”, anh Du kể.

Anh cũng nói thêm: “Lúc đầu mở rộng diện tích trồng cũng lo, bởi nếu thất bại thì toàn bộ số vốn hai vợ chồng tích được không còn, hai vợ chồng quay về tay trắng. Chưa kể số tiền vay ngân hàng sẽ lấy đâu ra mà trả, thế nhưng rồi, hai vợ chồng đồng lòng cùng nhau thực hiện”.

Trong quá trình trồng trên diện tích lớn, ngoài những kiến thức anh học hỏi được những nhà vườn ở Trung Quốc về quy trình đào hố, chăm sóc, tỉa cành bón phân…,để hạn chế sâu bệnh cho quýt anh còn lên mạng nghiên cứu các phương pháp phòng, chống sâu bệnh, giúp cây có thể phát triển tốt, tăng sức đề kháng.

Anh Du kể: “Giai đoạn đầu vợ chồng mình ăn ngủ với cây, thậm chí chỉ cần cây có dấu hiều gì khác thường là ăn không ngon, ngủ không yên, phải tìm mọi cách để biết được cây đang gặp phải bệnh gì? Làm thế nào để điều trị bệnh cho cây….”.

Nhân rộng mô hình

Sau ba năm tần tảo, hiện anh Du đã có tổng diện tích hơn 1 héc ta. Cuối năm 2021, vụ thu hoạch đầu tiên vườn quýt ngọt anh Du cho thu về 6 đến 7 tấn, mỗi kg bán ra thị trường có giá từ 40 – 50 nghìn đồng, tổng thu nhập mùa đầu tiên của vườn quýt ngọt nhà anh Du hơn 200 triệu đồng.

“Đó chỉ mới ½ số cây trong vườn cho thu hoạch. Qúa trình chăm sóc, nhiều cây phát triển chậm nên không thể cho quả kịp sau ba năm”, anh Du kể.

Những câu quýt ngọt trĩu quả mùa đầu thu hoạch. Ảnh NVCC.

Những câu quýt ngọt trĩu quả mùa đầu thu hoạch. Ảnh NVCC.

Để hạn chế dùng phân hóa học dẫn đến đất nhanh bạc màu, phôi hóa anh Du đã quyết định nuôi trâu để lấy phân ủ. Khi phân đã được ủ hoai mục anh dùng để bón cho vườn quýt nhà mình.

Anh Du kể: “Mình cũng được các anh chị ở phòng Nông nghiệp hướng dẫn một số kỹ thuật để cải tạo đất cũng như hạn chế đất bị thoái hóa, bạc màu. Thay vì dùng phân hóa học nhiều thì mình dùng phân chuồng ủ hoai mục bón để đất tơi xốp hơn giàu chất dinh dưỡng cho cây hơn”.

Bên cạnh đó, đối với những cây phát hiện sâu bệnh anh Du sử dụng các loại thuốc sinh học để xử lý, hạn chế độc hại cho bản thân cũng như giảm tác nhân tác động đến việc thoái hóa đất do dùng thuốc hóa học.

Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ nhiều kênh khác nhau đã giúp cho anh Du thành công khi đưa giống quýt ngọt từ một đất nước khác về trồng và phát triển kinh tế cho gia đình

Anh Du chia sẻ: “Mình vừa trồng, vừa học nhưng cũng tích lũy được không ít kinh nghiệm cho bản thân. Mỗi ngày tự chắt lọc, có đúng, có sai nhưng tất cả đều giúp mình có thể tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân và hỗ trợ cho những người đến vườn mình tham quan, hỏi về kinh nghiệm chăm sóc giống cây có múi”.

Đánh giá cao về mô hình đưa giống cây mới vào phát triển kinh tế tại địa phương, ông Hoàng Văn Thuần – Phó chủ tịch xã Yên Trạch – huyện Cao Lộc – tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Gia đình anh Du là một trong những hộ tiên phong đưa giống mới về trồng. Cũng chính sự thành công đó giúp cho bà con trong xã có động lực dám thay đổi, dám đưa giống mới vào để phát triển kinh tế cho gia đình, cải thiện đời sống.

Sau khi mô hình trồng quýt ngọt của anh Du thành công, chúng tôi cũng tuyên truyền cho bà con được biết, rất nhiều người trong xã cũng như ngoài xã đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình của gia đình anh Du ra.

Theo ông Thuần, hiện nay giống quýt ngọt mà anh Du đang trồng khi thu hoạch đưa đi tiêu thụ ổn định. Qúa thời gian thu hoạch quýt ngọt vào cuối năm do vậy được thị trường đón nhận rất lớn. Như năm ngoái, sau khi đưa ra thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, hiện nay, chúng tôi đang hướng dẫn bà con nhân rộng mô hình này.

“Tuy nhiên, cây giống này hiện tại chỉ có ở Trung Quốc. Do đó, chúng tôi đang phối hợp với hộ gia đình anh Du nghiên cứu và tìm các nhân nhân giống thay vì phụ thuộc giống ở Trung Quốc”, ông Thuần cho biết.

Ông Thuần cũng cho biết thêm, trên địa bàn xã Yên Trạch hiện nay, ngoài cấy quýt ngọt thì có thêm cây macca, hạt sở đang được người dân đưa vào trồng để phát triển kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ