Thay đổi cách nghĩ
Thực tế ở Việt Nam, một đứa trẻ tự kỷ được điều trị, chăm sóc ở mức trung bình sẽ tiêu tốn 15 triệu đồng/tháng. Bởi khi đưa trẻ đến các trung tâm thực nghiệm can thiệp trẻ tự kỷ, thì ngoài chi phí cho trung tâm, còn chi phí việc ăn uống, đi lại, sinh hoạt, và cần một bảo mẫu chăm sóc 24h/24h.
Có những hoàn cảnh rất thương tâm như đôi vợ chồng anh L, chị H ở Hà Tĩnh. Họ sinh được ba đứa con, cháu lớn rất thông minh, học giỏi thì không may tai nạn mất khi còn nhỏ. Hai đứa con sau của anh chị, một con lên 5, một con lên 3, không may đều bị tự kỷ. Anh chị phải đưa con đến một trung tâm dành cho trẻ tự kỷ ở Hà Nội. Vừa thuê nhà trọ để ở, hàng ngày đưa con đi đến trung tâm và đón con về, anh chị không thể đi làm, không có thu nhập. Họ đành phải bán tài sản và đi vay tiền để chữa trị cho con, mà hy vọng cải thiện tình trạng của con rất mong manh. Sau 5 tháng theo đuổi việc chữa trị cho hai con, hiệu quả tiến triển chậm chạp, nguồn tài chính cạn kiệt, anh chị đành cho con trở về nhà, tìm cách khác.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện buồn đối với trẻ tự kỷ. Còn có những cháu tự kỷ tăng động, hành vi nguy hiểm như tự gây thương tích, đập phá hung hãn, luôn bị người thân phải trói tay suốt ngày đêm, giam hãm trong không gian chật hẹp như một tù nhân, rất tội nghiệp. Gia đình những cháu như vậy gần như không có lối thoát khi họ không đủ điều kiện cho con đến các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ.
Đã qua hai thập kỷ trôi qua, kể từ khi Việt Nam chính thức nhận dạng bệnh tự kỷ và có can thiệp. Tuy nhiên, chưa có tổ chức nào dám tuyên bố về kết quả rõ ràng.
Cho đến năm 2014, khi Tiến sỹ Phan Quốc Việt đưa ra luận điểm khác hoàn toàn về trẻ tự kỷ, đã tạo nên một chấn động mạnh trong dư luận xã hội với không ít tranh cãi. Nhưng ông Tiến sỹ này không mải tranh luận, mà bắt tay vào việc thay đổi số phận của trẻ tự kỷ.
Dựa trên luận điểm, hãy chấp nhận trẻ tự kỷ như các em vốn thế. Tất cả những việc cần làm là tập trung vào trọng tâm: tạo ra một thế giới riêng phù hợp với trẻ tự kỷ, để các em được sống hạnh phúc trong cộng đồng của mình. Các em thoát khỏi thế giới người thường, vốn kỳ thị các em và coi các em là người bệnh, các em được thỏa sức sống và phát triển trong thế giới riêng, với những người giống như mình, thấu hiểu mình và yêu thương mình, cùng nắm tay mình tiến lên hàng ngày.
Tạo mẫu và minh chứng hiệu quả
Tiến sỹ Phan Quốc Việt và những đồng sự, nhà tài trợ cho Tâm Việt đã tạo nên một thế giới riêng cho gần 40 trẻ tự kỷ tại Tâm Việt Phú Xuyên. Qua gần 4 năm, Tâm Việt đã huấn luyện thành công trẻ tự kỷ dậy thì trở thành những cá nhân xuất sắc, được nhiều người ngưỡng mộ. Điển hình là trường hợp của Khôi Nguyên, trẻ tự kỷ tuổi dậy thì đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Kỷ lục gia về thành tích đi trên xe đạp một bánh, đội chai và tung hứng 9 bóng vào tháng 5 năm 2017, là một hiện tượng gây được chú ý đặc biệt trong dư luận xã hội, đánh dấu thành công ban đầu của phương pháp độc đáo của Tiến sỹ Việt.
Sau Khôi Nguyên, còn các trường hợp trẻ tự kỷ thành công khác từ công lao huấn luyện của Tâm Việt. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều các bậc cha mẹ có con tự kỷ tin tưởng gửi con mình cho Tâm Việt để phát triển năng lực riêng của các em. Các bậc cha mẹ có niềm tin vào luận điểm của Tiến sỹ Phan Quốc Việt, thay đổi nhận thức về đứa con của mình, vững tin rằng con mình sẽ lớn lên thành người có ích, sống hạnh phúc trong thế giới riêng của con.
Không những hạnh phúc trong thế giới riêng của mình, trẻ tự kỷ ở Tâm Việt còn tương tác với thế giới bên ngoài, trong những sự kiện xã hội, trong những khóa đào tạo về kỹ năng sống của Tâm Việt. Với tài năng đi xe đạp 1 bánh, đội chai nước và tung từ 5-7 bóng, các em nhỏ tự kỷ này khiến mọi người đi từ ngạc nhiên đến thán phục. Và với cảm xúc đó, những người bình thường trong chúng ta lĩnh hội được bài học lớn về sự tập trung, trọng tâm và phương pháp phát triển năng lực riêng của mỗi người. Tại sao một trẻ tự kỷ có thể làm được một việc phi thường, một cách rất đỗi bình thường như thế, mà chúng ta lại không dám thực hiện ước mơ, không làm được những việc khó hàng ngày?
Một thiên đường có thật
Các em tự kỷ đang kiên nhẫn dạy cho nhau kỹ năng đi xe đạp một bánh |
Được sống trong một thế giới thiết kế riêng cho mình, được tự tin về năng lực bản thân, được khích lệ và ủng hộ khi vượt qua chính mình, các em tự kỷ đã tìm thấy thiên đường có thật tại Tâm Việt.
Trong không gian yên tĩnh, thanh bình với mặt nước hồ xanh, cây cối sum xuê, những khóm hồng bung nở, những ngôi nhà gạch giản dị nương bóng cây cổ thụ mát mẻ, các em được tự do hoàn toàn. Không còn dây trói tay, không còn người giữ chặt tay chân kìm kẹp, không còn 4 bức tường chật hẹp giam hãm, các em tươi cười chơi đùa, dìu nhau đi vun vút trên những chiếc xe đạp một bánh, điệu nghệ như những nghệ sỹ xiếc trứ danh. Nhìn cảnh đó, người mới đến tưởng rằng đây là một khu tập cao cấp dành riêng cho các tài năng xiếc nhỏ tuổi. Chẳng ai ngờ rằng, các em nhỏ tươi cười, hạnh phúc và tập trung tập kỹ năng tung bóng trên con lăn, hay đội chai nước đi xe đạp một bánh siêu hạng kia lại là trẻ tự kỷ.
Ngoài các thầy cô và huấn luyện viên tập cho các em, thì thật xúc động khi chứng kiến cảnh chính các em tự kỷ đang kiên nhẫn dạy cho nhau kỹ năng đi xe đạp một bánh. Trên đường chạy dài thiết kế riêng cho xe đạp, những em lớn nắm tay em nhỏ khăng khít không rời kể cả khi em nhỏ bị trượt xe, những em giỏi hơn luyện cho em chưa giỏi.
Chính các em, bằng kinh nghiệm thực tế của mình, lại nghĩ ra cách luyện cho em mới hiệu quả nhất, nghĩ ra cách động viên khích lệ tinh thần nhiều nhất cho nhau. Đó chính là sáng tạo, là sự đồng đẳng tương thân quý báu, không phải môi trường nào cũng có được. Cũng tại đây, triết lý “học thày không tày học bạn” được minh chứng rõ ràng nhất, khi chính các em tự kỷ đã thành thạo kỹ năng lại thành người huấn luyện hiệu quả cho những em mới đến.
Nhờ không gian sống và lối sống hạnh phúc đó, mà thần thái, nụ cười tươi sáng luôn nở trên gương mặt các em nhỏ nơi đây. Nếu có nơi nào mà những nụ cười và những cái ôm, nụ hôn chân thực nhất, ấm áp nhất, xuất phát từ trái tim tràn đầy yêu thương và muốn được yêu thương, không bị bất cứ tác nhân ngoại lai nào tác động, thì chính là ở nơi đây, thiên đường có thật của các em tự kỷ.
Năm 2018, Tiến sỹ Phan Quốc Việt được tổ chức World Record Content Academy trao tặng danh hiệu Kỷ lục gia về đóng góp của ông cho nhân loại với phương pháp đào tạo và huấn luyện trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho phát minh của ông, cùng nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ tâm huyết, kết quả xuất sắc của trẻ tự kỷ và niềm tin của các bậc phụ huynh gửi gắm con mình cho Tâm Việt.
Nhưng hơn tất cả, đó lại là niềm hạnh phúc của vị Tiến sỹ này, khi tại thiên đường có thật, các con gọi ông là Tiên ông, và các giáo viên, huấn luyện viên tại Tâm Việt luôn coi ông là người Thầy lớn trong cuộc đời của họ, coi các em tự kỷ như những Thiên thần, bởi chính các em đã làm nên điều kỳ diệu, đã xuất sắc thay đổi cuộc đời để tự tin sống hạnh phúc, sống yêu thương trong thiên đường của mình.
“Tiên ông ngủ xa – lông”
Tại “Thiên đường nhỏ” Tâm Việt Phú Xuyên, Tiến sỹ Phan Quốc Việt sống cùng các thiên thần của ông. Căn phòng nhỏ trông ra hồ nước, có bóng cây si già rủ chòm rễ xuống hồ, ông thường ngồi trên xa – lông để làm việc. Một chiếc điện thoại thông minh, những cuốn sách triết lý, sách kỹ năng, kinh tế nằm bên bàn ngay cạnh xa – lông. Ông cũng tiếp bạn hữu, đồng nghiệp, đối tác… luôn tại căn phòng, vẫn ngồi ở xa – lông. Khi ngủ, ông cũng đơn giản ngả mình thoải mái trên xa – lông đó. Mọi người đùa gọi ông là “Tiên ông ngủ xa – lông”.
Ông chẳng thiếu gì căn phòng sang trọng, chiếc giường êm thoải mái để ngủ, nhưng ngủ trên xa – lông này, tiện cho công việc hơn. Ông là người nổi tiếng, làm việc 24h/24h. Ý tưởng có thể đến bất cứ lúc nào, ông triển khai luôn lúc ấy. Mỗi ngày một ý tưởng mới, sống không ngừng sáng tạo, cải tiến không ngừng, là phương châm sống, cống hiến của ông. Người vĩ đại lại vốn giản dị như thế.