Tiềm năng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn còn rất lớn

GD&TĐ - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với Bộ trưởng Jan Vapaavuori trong buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam với đoàn đại biểu Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan chiều nay (20/10) tại Hà Nội.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Jan Vapaavuori
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Jan Vapaavuori

Vui mừng đón tiếp đoàn đại biểu Phần Lan đến thăm và làm việc tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc đã phát triển từ nhiều năm qua.

Bộ trưởng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Phần Lan đã luôn dành sự ủng hộ quý báu đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và phát triển đất nước ngày nay của Việt Nam.

Tuy xa cách về địa lý nhưng hình ảnh về đất nước và con người Phần Lan luôn gần gũi và thân thuộc đối với nhân dân Việt Nam. Các sản phẩm hàng hóa, công nghệ của Phần Lan gây ấn tượng tốt đối với người dân Việt Nam.

Từ đó người dân Việt Nam có thể hình dung về trình độ phát triển cao về khoa học công nghệ, giáo dục của nước bạn. Đó là những bài học quý báu để Việt Nam học hỏi.

Hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Phần Lan đang phát triển tốt đẹp. Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Phần Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác giáo dục ngày 5/2/2009 với thời hạn 4 năm. Các trường đại học ở Việt Nam đang có những chương trình liên kết đào tạo với các trường ở Phần Lan.

Tại buổi làm việc, phía đối tác là các doanh nghiệp, các trường đại học Phần Lan đã bày tỏ những kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT để sự hợp tác sẽ phát triển hơn trong những năm tới. Các đề xuất rất đa dạng, gợi mở nhiều tiềm năng có thể hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Jan Vapaavuori đánh giá cao sự phát triển năng động ở Việt Nam trong những năm vừa qua và khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam vẫn còn rất lớn. 

Tuy là Bộ trưởng Bộ Kinh tế nhưng ông rất quan tâm đến những đầu tư của các doanh nghiệp Phần Lan trong lĩnh vực giáo dục. Ông mong muốn biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Phần Lan trong giai đoạn tiếp theo sẽ sớm được kí kết để mở ra những chương trình hợp tác đa dạng hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Việt Nam đang tiến hành đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT nên rất cần học hỏi những nước có nền giáo dục phát triển, trong đó có Phần Lan. Việt Nam cần sự hỗ trợ và giúp đỡ của Phần Lan trong các lĩnh vực tài chính, chuyên gia và tài liệu.

Giáo dục phổ thông của Phần Lan được công đồng quốc tế đánh giá rất cao thông qua kết quả các kỳ đánh giá quốc tế như PISA. Một trong những yếu tố tạo nên kết quả đó là chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Việt Nam rất muốn được giúp đỡ,  chia sẻ và học tập các kinh nghiệm của Phần Lan trong việc đào tạo giáo viên như: phương thức đào tạo, chương trình đào tạo, tuyển chọn giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, nhất là kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp.

Phần Lan cũng làm rất tốt các vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp thông qua chương trình giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề ở bậc THPT, giáo dục suốt đời. 

Việt Nam rất mong muốn được Phần Lan hợp tác giúp đỡ và chia sẻ những kinh nghiệp về vấn đề này để có thể làm tốt việc giáo dục nghề nghiệp cho học sinh trong thời gian các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường, giúp cho học sinh có năng lực về học tập suốt đời.

Bộ trưởng đề nghị hai bên xúc tiến đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Phần Lan thay thế Biên bản ghi nhớ đã ký hết hiệu lực năm 2014.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị Phần Lan hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, chuyên gia giáo dục và sinh viên theo các chuyên ngành mà Phần Lan có thế mạnh, khuyến khích các chương trình hợp tác song phương giữa các trường đại học và viện nghiên cứu của hai bên.

Bộ GD&ĐT sẵn sàng làm đầu mối để phía Phần Lan gặp những đối tác tin cậy ở Việt Nam để triển khai các chương trình và triển khai có hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ