Gỡ nút thắt hợp tác quốc tế trong giáo dục Đại học

GD&TĐ - Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Đại học Lincoln (New Zealand) ký kết hợp tác trong chuyển tiếp sinh viên.
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng và Đại học Lincoln (New Zealand) ký kết hợp tác trong chuyển tiếp sinh viên.

Tuy nhiên, trong triển khai thực tế hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học vẫn còn nhiều rào cản.

Chìa khóa hội nhập quốc tế

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận xét: “Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tiếp tục xem GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Trong 10 năm qua, GD-ĐT, nhất là giáo dục đại học đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; hệ thống đại học Việt Nam tiếp cận dần hệ thống đại học thế giới, nhiều trường đại học Việt Nam có tên trên các bảng xếp hạng danh giá quốc tế”.

Từ “đòn bẩy” hợp tác quốc tế, ĐH Đà Nẵng đã tranh thủ nguồn lực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực quản trị đại học. Trong 10 năm qua ĐH Đà Nẵng đã nhận tài trợ/hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế hàng chục triệu USD để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và tăng cường năng lực nghiên cứu và quản trị đại học thông qua các dự án lớn.

Hiệu quả cao của hoạt động hợp tác quốc tế của ĐH Đà Nẵng còn được thể hiện qua việc phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế, thu hút hàng trăm nhà khoa học quốc tế đến tham dự hội thảo góp phần vào việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện/lễ hội. Thành quả của hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo ra những đột phá trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. ĐH Đà Nẵng thường xuyên tiếp nhận các chuyên gia ở các trường đối tác đến giảng dạy, nghiên cứu cũng như tiếp nhận hằng năm hàng trăm sinh viên quốc tế đến học tập và thực tập ngắn hạn.

Chỉ tính riêng năm học 2022 - 2023, các trường thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Đà Nẵng thực hiện hơn 100 đề tài khoa học công nghệ các cấp đem lại những kết quả, tri thức, sản phẩm khoa học và ứng dụng mới. Công bố hơn 500 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế (WoS, Scopus, tăng 8% so với năm học trước).

Tỷ lệ số công bố quốc tế (WoS, Scopus) đạt 0,6 bài/Tiến sĩ; Mức độ ảnh hưởng khoa học thể hiện qua các chỉ số trích dẫn trên Google Scholar và H-Index tăng gần 2 lần; Chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng với tổng kinh phí đạt gần 70 tỷ đồng.

Đoàn đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ASIIN (Cộng hòa Liên Bang Đức) tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang đánh giá cơ sở vật chất.

Đoàn đánh giá ngoài chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ASIIN (Cộng hòa Liên Bang Đức) tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang đánh giá cơ sở vật chất.

Tháo gỡ từ chính sách

Tuy nhiên, theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ thì các cơ sở giáo dục đại học cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác hợp tác quốc tế. Giám đốc ĐH Đà Nẵng dẫn chứng:

“Thủ tục tiếp nhận viện trợ khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Các cơ sở giáo dục đại học phải xin chủ trương tiếp nhận viện trợ từ Bộ GD&ĐT, đưa vào kế hoạch năm, giao dự toán, đấu thầu theo quy định… Những thủ tục này mất rất nhiều thời gian trong khi dự án thường gồm nhiều đại học từ nhiều nước tham gia và triển khai tiến độ theo năm tài chính nên làm mất đi cơ hội tiếp nhận dự án, làm nản lòng cả người cho và người đi xin” - TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.

Cộng đồng khoa học luôn ở phạm vi toàn cầu nên hợp tác quốc tế sẽ hỗ trợ tích cực cho nhà trường trong công tác đào tạo cán bộ, cập nhật chương trình đào tạo, hình thành các bộ môn chuyên ngành mới, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ nghiên cứu khoa học. Các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp để giải quyết bài toán kinh phí mời giảng viên nước ngoài.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng mời các trường đối tác về giảng dạy trong thời gian nghỉ giữa các semesters/quarters hoặc mời các giáo sư đang trong thời gian nghỉ sabbatical. Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh còn tích cực tìm kiếm một số giáo sư đang sinh sống và giảng dạy ở khu vực Đông Nam Á hoặc các giáo sư vừa nghỉ hưu ở nước ngoài, giảng viên của một số chương trình do Liên hiệp châu Âu tài trợ dưới dạng trao đổi giảng viên ngắn hạn.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, việc thu hút các nhà khoa học nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu ở nước ngoài về tham gia giảng dạy, nghiên cứu rất có lợi cho trường đại học ở trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, hiện các cơ sở giáo dục đại học không thể bổ nhiệm chức danh khoa học (viện nghiên cứu/ bộ môn…) do quá tuổi, hoặc đòi hỏi phải có trình độ trung cấp chính trị như cán bộ bình thường… Thủ tục, hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động cho chuyên gia, tình nguyện viên quốc tế gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng băn khoăn, việc quy định cán bộ không được đi nước ngoài không quá 2 lần/năm mỗi đợt không quá 7 ngày chưa cụ thể là có áp dụng cho cán bộ, giảng viên ở các trường đại học không? Quy định này chỉ phù hợp với cán bộ công chức đi nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước.

Còn ở trường đại học thì đây lại là một trở lực rất lớn vì các nhà khoa học cần phải đi nước ngoài nhiều lần để đẩy mạnh hợp tác và bằng nguồn của các dự án hoặc của các trường/tổ chức đối tác và nếu đi giảng dạy, nghiên cứu thì thời gian dài cả tháng mới hoàn thành môn học.

Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Những khía cạnh tích cực của quốc tế hóa có thể thấy như vai trò của nó trong xây dựng tiềm lực kinh tế và xã hội thông qua thúc đẩy và nâng cao chất lượng, giúp nghiên cứu khoa học đạt được những chuẩn mực quốc tế; thông qua các chương trình trao đổi giáo dục sẽ giúp người học có cơ hội trải nghiệm học tập toàn cầu, thúc đẩy quá trình hội nhập và tăng cơ hội việc làm cho sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ