'Tiệm cắt tóc 0 đồng' của thầy hiệu trưởng nơi xã đảo

GD&TĐ - Tại xã đảo Thạnh An (TPHCM), thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An mở "tiệm cắt tóc 0 đồng" giúp nhiều HS hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Bình cắt tóc cho học sinh ngay tại sân trường.
Thầy Bình cắt tóc cho học sinh ngay tại sân trường.

17 năm gắn bó với xã đảo Thạnh An cũng là ngần đó khoảng thời gian thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An hiểu rõ những khó khăn mà học sinh nơi đây gặp phải. Vì vậy suốt những năm qua, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ công tác, thầy Bình còn luôn tận tình giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Yêu thương đong đầy

Gần 1 năm học qua, học sinh, giáo viên và phụ huynh Trường Tiểu Thạnh An (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) đã quá quen với hình ảnh người thầy giáo với những đường kéo, cắt tóc gọn gàng cho từng học sinh nam. Điều đặc biệt của tiệm cắt tóc này là không biển hiệu, không phòng ốc, thợ cắt tóc là thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Bình, nơi cắt tóc là sân trường, còn “khách hàng” chính là những học sinh thân yêu trong trường.

Theo chia sẻ của thầy Bình, giữa năm học 2021 - 2022 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các em đi học trở lại, trong những buổi chào cờ đầu tuần, dù ban giám hiệu, giáo viên thường xuyên nhắc nhở các học sinh nam cắt tóc gọn gàng nhưng nhiều em vẫn không cắt, luôn đến trường với mái tóc dài.

“Từ thực tế như vậy tôi đã giao cho giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu mới biết được những em học sinh này có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều em chỉ ở với ông, bà do ba mẹ đi làm xa, hoặc là ba mẹ đã ly hôn hoặc có em thì chỉ ở với mẹ hay với ba, có lẽ vì vậy mà các em ít được quan tâm. Trước hoàn cảnh của học sinh mình, thay vì yêu cầu các em cắt tóc, tôi đã thông báo sẽ cắt tóc miễn phí nếu các em có nhu cầu”, thầy Bình nói.

Ban đầu, nhiều học sinh còn chưa tin một phần vì ngại, phần khác sợ thầy cắt tóc sẽ lấy tiền nên không đăng ký. Sau đó, khi cô giáo chủ nhiệm giải thích, nhiều em đã hiểu và bắt đầu đăng ký nhiều. “Đợt đó tôi thường cắt cho các em vào cuối buổi chiều sau giờ học. Mỗi ngày, có em nào đăng ký tôi sẽ cắt cho em đó. Thời gian đầu, số học sinh đăng ký cắt tóc trong một ngày rất nhiều, có khi lên đến 20 em, về sau thì chỉ vài ngày mới có một vài em đăng ký khi tóc các em đã dài. Vì vậy, tôi đã thông báo lịch cố định cắt cho các em là thứ 6 tuần thứ 2 hàng tháng”, thầy Lê Hữu Bình chia sẻ.

Được biết, tuy không phải thợ cắt tóc chuyên nghiệp nhưng trước đây khi thời còn là sinh viên thầy Bình đã học lỏm được tài lẻ này từ những người bạn học của mình. Chính vì thế, thầy mới tự tin cầm kéo cắt tóc cho các học sinh trong trường.

“Những năm trước, hễ thấy các em học sinh tóc tai bù xù tôi đều hỗ trợ cắt lại cho gọn gàng, nhưng lâu lâu mới có 1 em. Sau dịch vừa rồi tôi thông báo trong toàn trường để các em khỏi phải ra tiệm vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Điều may mắn nữa là qua những lần cắt tóc cho các em, nhiều em đã cởi mở chia sẻ những câu chuyện gia đình mình cho thầy nghe. Qua đó, giúp tôi hiểu hơn hoàn cảnh học trò”, thầy Bình tâm sự.

Trong những năm qua, thầy Bình luôn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, vật chất để giúp học sinh nghèo.

Trong những năm qua, thầy Bình luôn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, vật chất để giúp học sinh nghèo.

Hết lòng vì học sinh nghèo

Thầy Lê Hữu Bình (sinh năm 1983) lớn lên ở một vùng quê nghèo Nghệ An. Tốt nghiệp cấp 3, Bình đã thi và đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An để thực hiện mong ước làm nghề giáo của mình. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thầy giáo trẻ này đã tình nguyện ra Thạnh An, huyện Cần Giờ, xã đảo duy nhất của TPHCM để mang đến kiến thức cho học sinh nơi đây.

Thạnh An là địa bàn khó khăn nhất của TPHCM. Do điều kiện địa lý cách trở nên kinh tế địa phương vẫn khó phát triển, cuộc sống nhiều gia đình còn rất vất vả. Từ trung tâm huyện Cần Giờ muốn đến xã đảo Thạnh An phải đi đò thêm gần 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Đến nay đã ngót 17 năm thầy Lê Hữu Bình gắn bó với xã đảo, cũng trong ngần đó khoảng thời gian ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thầy còn nhiệt huyết, hết lòng giúp đỡ học trò nơi xã đảo.

Cuộc sống của người dân xã đảo Thạnh An chủ yếu đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản và nghề muối, đời sống còn nhiều vất vả. Do đó, tỷ lệ học sinh gặp khó khăn ở trường còn cao, năm học 2022 - 2023 này lên đến 40%. Gắn bó với người dân, học sinh vùng xã đảo nên thầy Bình luôn mong muốn được giúp đỡ các em hoàn cảnh khó khăn, góp phần cải thiện đời sống của những người dân nghèo nơi đây.

Ngoài mô hình cắt tóc miễn phí thực hiện hàng tháng vừa triển khai gần 1 năm nay, mỗi dịp vào năm học mới thầy Bình luôn kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ sách giáo khoa, tập, viết, đồng phục, học bổng… để các em an tâm đến trường.

Đặc biệt do cơ sở vật chất còn hạn chế, học trò còn gặp nhiều khó khăn, thầy Bình đã sáng tạo, thiết kế nhiều sân chơi, hoạt động trong dạy học và rèn luyện để… thu hút các em đến trường. Nhờ thế suốt những năm qua, Trường Tiểu học Thạnh An không có học sinh nghỉ học giữa chừng.

Thầy Bình cho hay, trong dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023 vừa qua toàn trường có hơn 300 học sinh theo học ở tất cả các khối lớp, thầy Bình đã vận động mỗi học sinh trong trường được 2 bộ đồng phục, một phần quà Trung thu, 10 cuốn tập trắng. Đồng thời, thầy còn vận động được 150 chiếc cặp, ba lô cho các em khó khăn đến trường.

“Bao nhiêu năm công tác tại xã đảo Thạnh An, tôi đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Trên cương vị là một hiệu trưởng, tôi luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đoàn kết, thống nhất cao. Thầy, cô giáo luôn nỗ lực để mỗi ngày các em đến trường là một ngày vui”, thầy Bình chia sẻ.

“Điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là thấy niềm vui trong mắt học trò mình mỗi ngày đến trường. Qua những lần tiếp xúc, các em đã thân quen và coi tôi như người cha, người chú của mình, mạnh dạn cởi mở chia sẻ những câu chuyện gia đình cũng như trong cuộc sống. Điều đó giúp nhà trường giáo dục, hỗ trợ chăm lo các em được tốt hơn”, thầy Bình bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.