Những khóa học “0 đồng”

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học có những hoạt động thiết thực, hướng tới cộng đồng nhằm hỗ trợ giáo viên phổ thông dạy – học trực tuyến hiệu quả. Phụ huynh và học sinh có nhu cầu cũng có thể tham gia.

ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình tọa đàm với chủ đề: Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học. (Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội cung cấp).
ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình tọa đàm với chủ đề: Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học. (Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội cung cấp).

Hỗ trợ giáo viên tiểu học

Với vị thế tiên phong, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học trên tinh thần thực hiện trách nhiệm xã hội, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nền giáo dục; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Kênh chính thức ra mắt hôm 15/9 và đã thực hiện 3 chương trình trên nền tảng Zoom, được phát trực tiếp tại fanpage và kênh YouTube của ĐH Quốc gia Hà Nội. Các chương trình này tập trung vào việc chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh học trực tuyến; hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học và cân bằng tâm lý mùa dịch…

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân chia sẻ: Một trong những mục tiêu của Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học là hình thành diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên với các chuyên gia hàng đầu về giáo dục; tạo không gian kết nối giáo viên bậc tiểu học, giúp thầy cô có thể làm chủ công nghệ, chủ động sáng tạo; đồng thời chia sẻ và lan tỏa các vấn đề giáo dục tiểu học trong xã hội, chuyển đổi số gắn liền với nền tảng khoa học giáo dục và khoa học sư phạm.

GS.TS Lê Quân cho biết: Thời gian tới, ĐH Quốc gia Hà Nội hướng đến triển khai các chương trình tăng cường năng lực, đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên toàn quốc từ bậc phổ thông đến đại học, trong đó ưu tiên giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, Kênh sẽ tập trung vào việc chia sẻ học liệu, công cụ phục vụ dạy – học, nắm bắt nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của giáo viên ở các địa phương để triển khai khóa tập huấn phù hợp.

Hệ thống sẽ cung cấp tài liệu mang tính định hướng, hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, bài giảng; đồng thời, cung cấp tài liệu hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục cho giáo viên và cha mẹ học sinh; giới thiệu và cung cấp nguồn học liệu mở cho giáo dục tiểu học, hỗ trợ giáo viên và học sinh. Các giải pháp hỗ trợ ứng dụng công nghệ kèm hướng dẫn thực hiện chi tiết cũng được cung cấp một cách đầy đủ nhất.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam - ghi nhận: Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học ra đời không chỉ nâng cao năng lực toàn diện cho giáo viên và học sinh, mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của hệ thống giáo dục và đào tạo. “Năng lực đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên bậc tiểu học đóng vai trò then chốt trong hệ thống giáo dục, quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW”, GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Một khóa học trực tuyến miễn phí của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: Cắt từ video
Một khóa học trực tuyến miễn phí của Trường ĐH Mở Hà Nội. Ảnh: Cắt từ video

Xây dựng tài nguyên mở

Từ năm 2018, Trường ĐH Mở Hà Nội đã xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở, cung cấp hàng trăm khóa học miễn phí tới cộng đồng. Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Đảng và kế hoạch của ngành Giáo dục. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung cho biết: Mới đây, nhà trường đã xây dựng Khóa đào tạo trực tuyến “Hướng dẫn dạy - học trực tuyến”.

Theo đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh quan tâm có thể truy cập vào kho tài nguyên giáo dục này để học tập miễn phí. Khóa học bao gồm 5 bài học được chia thành nhiều mô-đun để người học thuận tiện theo dõi với 8 video và 5 bài đọc, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Hoàn thành khóa học, người học sẽ nắm được kiến thức cơ bản về dạy - học trực tuyến, kỹ năng tổ chức buổi học trực tuyến và sử dụng thành thạo một số công cụ hỗ trợ dạy - học trực tuyến.

Tính đến nay, có hàng trăm nghìn lượt học trên hệ thống và trên 20 nghìn người hoàn thành các khóa học. Hiện, hệ thống tiếp tục mở trên 100 khóa học. Qua đó, kịp thời bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về dạy - học trực tuyến cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, góp phần nâng cao hiệu quả trong dạy - học.

Cuối tháng 9, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) chính thức ra mắt Chuỗi hoạt động “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến”. PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Theo kế hoạch, chuỗi hoạt động được sản xuất mỗi tuần một số, dưới hình thức livestream và phát lại trên kênh YouTube của trường, với các chủ đề như: Ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến; kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy học trực tuyến; Phát triển chương trình nhà trường trong bối cảnh dạy học trực tuyến; Kỹ thuật đánh giá trong dạy học trực tuyến.

Thông qua hoạt động này, nhằm hỗ trợ giáo viên phổ thông sử dụng thành thạo và tích hợp được các phần mềm trong dạy học trực tuyến cũng như sử dụng các phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) nhấn mạnh: Đây là chương trình hướng tới cộng đồng, với mong muốn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên. Qua đó, giúp giáo viên tự tin hơn để có những tiết học đáp ứng được yêu cầu đổi mới và chất lượng. “Chúng tôi có trách nhiệm cùng với toàn ngành thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này” - PGS.TS Lê Anh Phương khẳng định.

Trực tiếp theo dõi Chương trình “Đồng hành cùng giáo dục trực tuyến” của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), theo cô Trần Thị Mỹ Hoa – Trường Tiểu học Vĩnh An (Tây Sơn, Bình Định), những thông tin của chương trình rất hữu ích. Chia sẻ của chuyên gia, giảng viên đã giúp giáo viên hiểu hơn về kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy học trực tuyến.

“Không thể bê nguyên xi bài giảng, giáo án, phương pháp dạy học ở lớp học truyền thống vào lớp học trực tuyến” - cô Hoa chia sẻ, đồng thời tự rút bài bài học kinh nghiệm cho mình sau khi theo dõi chương trình. Theo đó, trước mỗi giờ học, cô chuẩn bị một số ứng dụng trò chơi online đơn giản, để khuyến khích học sinh cùng tham gia. Vì thế, mỗi bài học cô thiết kế như một trò chơi mà ở đó, cô – trò là chủ thể tham gia và cùng nhau chinh phục kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.