Đà Nẵng: Suất ăn 0 đồng trước cổng Trường Tiểu học

GD&TĐ -Mỗi tháng một lần, từ nguồn đóng góp tự nguyện của cán bộ, giáo viên nhà trường cùng các nhà hảo tâm, 200 suất ăn được chuẩn bị tươm tất, chu đáo được đặt sẵn trước cổng Trường Tiểu học Tây Hồ (Hải Châu, Đà Nẵng).

Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng tự tay trao phần ăn cho người lao động trong chương trình Bếp ăn miễn phí.
Thầy giáo Trương Vĩnh Đặng tự tay trao phần ăn cho người lao động trong chương trình Bếp ăn miễn phí.

Suất ăn đổi lấy nụ cười

Thực đơn Bếp ăn miễn phí vào tháng 7 này của Trường Tiểu học Tây Hồ là bánh cuốn kèm theo một hộp sữa. Một tấm biển được đặt bên cạnh chiếc bàn bày sẵn 200 hộp thức ăn: “Ai cần thì nhận một phần. Ai thấy ổn xin nhường người khác”.

Bà Nguyễn Thị Thu lấy tay áo quệt mồ hôi, ngồi nghỉ ở vỉa hè trước cổng trường. Trước mặt bà là chiếc xe đạp nhỏ đã bong tróc hết sơn. Yên xe buộc lèo tèo mấy tấm bìa các – tông. Một ít can nhựa ngoắc trước ghi đông xe. Sinh sống bằng nghề nhặt ve chai, bà Thu kể, hàng quán đóng cửa, dịch dã kéo dài, ai cũng chi tiêu tiết kiệm. Vì vậy, có những ngày, bà không kiếm được 50 ngàn đồng, dù quãng đường đạp xe mỗi ngày xa hơn, vòng vèo sâu trong những kiệt hẻm.

“Tháng mô tui cũng hỏi chừng lịch phát cơm miễn phí trước cổng trường Tây Hồ. Bớt được đồng nào là mừng đồng đó. Thầy cô cũng đổi món thường xuyên. Bữa thì mì quảng, rồi bánh cuốn, bánh ướt. Lần nào cũng kèm thêm một hộp sữa. Nói ra thì mấy cô cười chớ chỉ mong đắp đổi không để đứt bữa thôi, chớ làm chi có mà ăn ngon cô ơi. Nên nhận được suất ăn là tui vui lắm, như được động viên, tiếp sức thêm vậy” – bà Thu kể.

Vừa thấy chiếc xe lắc của anh Trần Văn Minh đi tới, một cô giáo trong nhóm đã nhanh chóng trao tận tay suất thức ăn đã chuẩn bị sẵn. Giữa trưa nắng gắt, ánh mắt anh Minh lấp lánh niềm vui: “Phần ăn này tui dành cho đứa nhỏ ở nhà. Bán vé số lay lắt qua ngày, nhà mấy khi có đồ ăn tươi đâu cô. Rau ráng qua ngày rứa thôi, tui đem về cho con bé ăn trưa. Được đổi món, lại có cả thịt và sữa, con bé chắc mừng lắm”. Nói rồi anh Minh nặng nhọc di chuyển chiếc xe lắc ra về.

Những suất ăn miễn phí được các thầy cô giáo trao tận tay cho những người lao động nghèo, kèm theo lời chúc ngon miệng, động viên nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Người nhận trao lại nụ cười đằng sau lớp khẩu trang rồi lại quày quả theo cuộc mưu sinh. 

“Ai cần thì nhận một phần. Ai thấy ổn xin nhường người khác” – lời nhắn nhủ của chương trình Bếp ăn miễn phí Trường Tiểu học Tây Hồ.
“Ai cần thì nhận một phần. Ai thấy ổn xin nhường người khác” – lời nhắn nhủ của chương trình Bếp ăn miễn phí Trường Tiểu học Tây Hồ. 

Bán bonsai nuôi bếp ăn

Cô Trương Thị Hồng Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ chia sẻ: “Cách đây 2 năm, thầy Trương Vĩnh Đặng – GV Mỹ thuật của nhà trường có ngỏ ý mượn bếp ăn bán trú của trường để sử dụng một lần một tháng, vào những ngày HS nghỉ học. Nhận thấy mô hình bữa Bếp ăn miễn phí này chứa nhiều ý nghĩa nhân văn, chúng tôi đề xuất chi bộ nhà trường sẽ cùng đồng hành và kêu gọi sự hỗ trợ của CB, GV trên tinh thần tự nguyện”.

Đều đặn mỗi tháng, kể cả trong thời gian nghỉ hè, Trường Tây Hồ tổ chức chương trình trao suất ăn 0 đồng cho bà con khó khăn một lần. Mỗi nhóm khoảng từ 8 – 10 thầy cô giáo tự lên thực đơn, chế biến thực phẩm, chia khẩu phần ăn và trao tận tay cho người lao động.

“Chi phí cho chương trình Bếp ăn miễn phí khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chúng tôi nhận sự hỗ trợ của các thầy cô giáo trong trường, một số phụ huynh cũng tham gia đóng góp. Tháng nào thiếu thì chúng tôi sẽ huy động thêm từ những mối quan hệ cá nhân của mình” – cô Thanh cho biết.

Thầy Trương Vĩnh Đặng cho rằng, mô hình bữa ăn miễn phí không phải là mới mẻ nhưng, trong môi trường học đường thì không phổ biến nên đã quyết tâm thực hiện.

“Tôi rất vui khi nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo và chi bộ nhà trường. Đồng thời ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo viên cũng là người gieo mầm yêu thương, tình nhân ái, sự sẻ chia đến với HS. Nhiều HS đã cùng tham gia với thầy cô giáo trong các chương trình Bếp ăn miễn phí những năm qua.

Mình tin tinh thần thiện nguyện sẽ được nuôi dưỡng trong mỗi HS để ít nhất, các em vẫn tin rằng, cuộc sống vốn có rất nhiều điều tốt đẹp, chỉ cần được khơi gợi là sẽ lan tỏa yêu thương”, thầy Đặng kỳ vọng.

Từ 3 triệu đồng ban đầu do các thầy cô giáo trong trường đóng góp, thầy Trương Vĩnh Đặng đã bán những cây bonsai tự tay chăm sóc để Bếp ăn miễn phí được bắt đầu đỏ lửa. Và ngọn lửa yêu thương, ấm áp ấy đã và đang được duy trì đều đặn mỗi tháng, như một sự động viên những người lao động nghèo trong cuộc mưu sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ