Mục tiêu của Kế hoạch là 100% các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, đề xuất các nội dung chính sách cần tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ theo hướng tập trung, gọn đầu mối, giảm bớt số lượng văn bản, tránh trùng chéo, không dàn trải, đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu, nội dung kế hoạch đề ra.
Cụ thể, sẽ tiến hành rà soát chính sách thuộc các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động - việc làm, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cán bộ, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về thông tin và truyền thông và chính sách giảm nghèo nói chung.
Kiến nghị tích hợp, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ chính sách theo hướng: Xác định rõ vai trò chủ trì và các bên tham gia, có cơ chế phối kết hợp cụ thể ngay từ khâu lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách được tích hợp và lồng ghép nguồn lực; giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ tạo sinh kế và phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; cải cách thủ tục hành chính và phương thức để người dân, cộng đồng tham gia và tiếp cận chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Các bộ, ngành, địa phương đề xuất cơ chế, giải pháp tác động nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng tiếp cận đa chiều; cơ chế, giải pháp lồng ghép nguồn lực thực hiện 21 chương trình có mục tiêu với Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ tích hợp 2 văn bản chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non đối với trẻ 3 - 5 tuổi (Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ Quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015).
Bên cạnh đó, xây dựng Nghị định của Chính phủ tích hợp các văn bản về học bổng chính sách và hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên học tập tại các cơ sở đào tạo (Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001; Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp).