Dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen mua sắm
Theo nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu thuộc Đại học Tufts (Mỹ), hiện Việt Nam xếp hạng 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới, đồng thời xếp hạng 22 về tốc độ phát triển số hóa. Còn theo kết quả khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện.
Báo cáo cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực rất lớn. Cụ thể, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỉ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2018 thông qua mạng xã hội tăng 39%, tiếp theo là 32% thông qua website.
Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% - 200%.
Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2019, hệ thống chuyển mạch NAPAS tăng trưởng 80,2% về tổng số lượng giao dịch và 170,6% về tổng giá trị giao dịch so với năm 2018.
Đặc biệt, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống NAPAS có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng (tăng từ 26% năm 2018 lên 48% năm 2019).
Xu hướng này thể hiện rõ sự chuyển dịch thói quen của khách hàng từ việc chi tiêu bằng tiền mặt sang thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt từ 100% - 200%.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch VECOM cho biết, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.
Xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn TMĐT và mạng xã hội ngày càng tăng. Với tốc độ tăng trưởng 15% trong năm 2020, doanh thu TMĐT Việt đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2021.
Ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc Kinh doanh của TiKi nhìn nhận TMĐT đang có sự tăng trưởng vượt bậc tại Việt Nam. Theo ông Thọ, quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nếu như năm 2017 tỉ trọng người dùng Internet cao chiếm 53% dân số thì đến năm 2020 đã là 65%.
Xu hướng người dùng smartphone cũng tăng nhanh chóng từ 38% vào năm 2017 thì đến năm 2020 đã là 58%. Trong đó, độ tuổi sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến cũng rộng biên độ hơn, chiếm tỉ lệ lớn ở độ tuổi từ 20 - 34 tuổi.
Tốc độ tăng trưởng TMĐT thứ 2 Đông Nam Á
Dịch Covid-19 kéo dài đã gây nên rất nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp khi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn và thách thức trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong dịp này các doanh nghiệp lại có cơ hội kinh doanh online, tham gia sâu vào các sàn giao dịch TMĐT để phát triển.
Theo ông Nguyễn Chí Thọ, TMĐT đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Việt Nam theo nghiên cứu và thống kê của Google – Temasek-Bain là một trong hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng của thị trường TMĐT lớn nhất Đông Nam Á (sau Philippines).
“Nếu như năm 2019 tỉ trọng tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt quy mô 5.5B USD (chiếm 4,5% thị trường bán lẻ) thì dự báo vào năm 2025 quy mô trên sẽ tăng lên mức 22.8B (chiếm 10,5% thị trường bán lẻ tại Việt Nam). Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh online” - ông Thọ nói.
Thực tế, trong những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website TMĐT như: Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã có khoảng 50% dân số tham gia mua sắm online, đạt doanh số 350 USD/người.
Đặc biệt, ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%.
Trong đó, lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Vecom dẫn số liệu từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại trong 6 tháng đầu năm 2020, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu.
Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh TMĐT tăng tới 81%. Đây rõ ràng là những tín hiệu vô cùng tích cực để Việt Nam thúc đẩy và khai thác thật tốt nền kinh tế số.
Là khách hàng mua sắm thường xuyên trên các nền tảng trực tuyến và TMĐT, chị Lê Hồng Trà My cho biết việc sử dụng tích hợp các nền tảng mua bán trực tuyến với các phương thức giao nhận hàng, mua bán trực tuyến qua các App ứng dụng đã mang đến sự thuận lợi và tiện dụng rất lớn cho khách hàng.
“Trước kia muốn ăn gì tôi phải đi chợ và nấu ăn. Còn bây giờ gần như mọi thứ đều có thể được đáp ứng và phục vụ tận nơi thông qua các ứng dụng mua bán trực tuyến, giao hàng có điều kiện hoặc trả phí.
Sự nhanh gọn và thuận tiện trên không chỉ giúp bản thân tôi tiết kiệm thời gian, mà quan trọng hơn nó giúp người tiêu dùng kiểm soát được việc chi tiêu của mình qua ví điện tử. Tất nhiên, vẫn còn nhiều sự chưa hài lòng trong bối cảnh TMĐT mới bùng nổ hiện nay”, chị My nói.
Trong tình hình dịch và sự phát triển bùng nổ của mua sắm trực tuyến, để góp phần vào việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh tại Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra giải pháp về phát triển hệ sinh thái TMĐT.
Cụ thể, trong 5 năm tới, bên cạnh việc xây dựng các chương trình, chính sách đánh giá tín nhiệm website TMĐT, giải pháp “Nền tảng tín nhiệm TMĐT” là công cụ đánh giá các chủ thể kinh doanh TMĐT. Xếp hạng tín nhiệm này sẽ công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.