“In Situ” – Cuộc thử nghiệm chất liệu và biểu đạt

GD&TĐ - Trong nhịp cảm thức xao động của đất trời Hà Nội chớm thu, triển lãm tranh mang tên “In Situ” sẽ mở ra một không gian êm ả,  rung cảm khác. Triển lãm là cuộc chơi của 6 nghệ sĩ đương đại Việt Nam.

“Chân dung bé gái” của họa sĩ Nguyễn Minh Thanh
“Chân dung bé gái” của họa sĩ Nguyễn Minh Thanh

Tên gọi “In Situ”– được lấy từ cụm từ Latin có nghĩa là “ở tại nơi của chính nó” hoặc “sự sắp xếp theo tự nhiên”, triển lãm không chỉ giới thiệu các tác phẩm mới nhất của Nguyễn Phi Phi Oanh, Lê Hoàng Bích Phương, Nguyễn Huy An, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Minh Thành, mà còn là sự kiện ra mắt không gian trưng bày mới của Manzi tại số 2 Ngõ Hàng Bún, Hà Nội.

“Vùng im lặng” của họa sĩ Lê Hoàng Bích Phương
 “Vùng im lặng” của họa sĩ Lê Hoàng Bích Phương

“In Situ” là cuộc thử nghiệm triệt để trên chất liệu và sự đa dạng trong hình thức thể hiện hứa hẹn mang tới cho người yêu hội họa nhiều cảm nhận và trải nghiệm khác nhau. Huy An sẽ giới thiệu các tác phẩm tranh  lụa kiệm lời nhưng nhiều lớp nghĩa . Nguyễn Đức Phương lại gợi cảm giác sự hoài vọng đầy chất thơ vốn là đặc trưng của thể loại tranh lụa.

Nguyễn Trần Nam sẽ tạo ra những liên tưởng lạ với sự u tối và ám ảnh trong series tranh sơn mài đen trắng. Người xem cũng có thể đi từ vẻ đẹp, sự yên bình tuyệt đối trong các bức chân dung trên lụa đượm buồn của Nguyễn Minh Thành tới các ý niệm hư ảo về thời gian và không gian trong tranh của Lê Hoàng Bích Phương, và cuối cùng là sự phản chiếu thời của ảnh ảo và kỹ thuật số trong serie tác phẩm sơn mài trên thép lộng lẫy của Nguyễn Phi Phi Oanh.

“Đồng dao lấm láp” của họa sĩ Nguyễn Đức Phương
 “Đồng dao lấm láp” của họa sĩ Nguyễn Đức Phương

Dù mỗi người là một cá tính sáng tạo riêng khó lẫn lộn song đối với cả sáu nghệ sĩ, hội hoạ luôn là phần quan trọng trong thực hành nghệ thuật của họ, đặc biệt với triển lãm này, khi sơn mài và lụa được sử dụng làm chất liệu chính.

May mắn nhận được sự hỗ trợ của Viện Goethe, khi thực hiện “In Situ” mỗi họa sĩ lại có một cách riêng để khẳng định lối đi của mình đồng thời cũng đưa ra chất vấn chung về quan điểm làm nghề “Điều gì quan trọng đối với một tác phẩm hội hoạ?” và “đâu là ranh giới và qui luật cho chất liệu?”

Triển lãm khai mạc từ ngày 31/ 8  đến 15/ 10 tại Manzi Art Space (số 2 Ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội). Cùng với không gian trưng bày, giới chuyên môn và người yêu hội họa còn có cơ hội gặp gỡ, đối thoại với tác giả của các tác phẩm trong sự kiện ‘Trò chuyện cùng nghệ sĩ’ sẽ được diễn ra vào đầu tháng 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ