Thương lắm hai anh em mồ côi học giỏi

Thương lắm hai anh em mồ côi học giỏi

(GD&TĐ) - Hai anh em (Lê Thanh Phong, học lớp 8 và em gái là Lê Thị Diễm Phương, lớp 6 cùng học trường THCS xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, Trà Vinh), mỗi em thắp 2 nén hương, đứng trước di ảnh của cha và mẹ, chấp tay khấn vái… mà nước mắt tuôn trào, làm ai cũng chạnh lòng. Một gia đình đang yên ấm bỗng chốc hoá thành hai đứa trẻ mồ côi. Không biết rồi cuộc đời các em sẽ ra sao. Người thân, chòm xóm ai chứng kiến cũng cạn nước mắt …  

Buổi sáng kinh hoàng

Hôm đó là ngày 14/10/2010 (nhằm ngày mùng 7/9/ năm Canh Dần). 4 giờ 30 phút sáng, làng quê Đức Mỹ cũng như bao vùng nông thôn khác, mọi người còn ngon giấc, bỗng có tiếng va chạm lớn: Đùng, rồi tiếng kêu cứu từ hướng sông (sông Cổ Chiên): Cứu! cứu, có người chết…

 Phong và Phương được ngồi học trên chiếc bàn tròn của Ông Nội vừa cho.
Phong và Phương được ngồi học trên chiếc bàn tròn của Ông Nội vừa cho.

Theo người dân kể lại, tiếng va chạm đó là của một phương tiện đường thủy có trọng tải lớn, chạy với tốc độ cao, đã cưỡi lên chiếc ghe 3 tấn của vợ chồng anh Lê Văn Bình  sinh năm 1973 và chị Thẩm Dương Thị Thẩm sinh năm 1975 ngụ ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, đang neo đậu ở mé sông, đợi cho trời sáng để dở lú (vợ chồng anh Bình và chị Thẩm có nghề đặt lú, loại “12 cửa ngục” nên ban đêm thường xuyên ngủ ở dưới sông). Trong bóng đêm, chiếc ghe gây tai nạn biến mất, ghe của anh Bình và chị Thẩm chìm ngay sau đó, khi mọi người đẩy ghe ra cứu thì …vợ chồng anh Bình và chị Thẩm cũng chìm theo ghe. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai vợ chồng anh Bình và chị Thẩm là do: Anh Bình bị va chạm, chấn thương ở đầu, chị Thẩm không biết bơi…

Chị Tư Quận (bác dâu của Phong và Phương) nhà ở cùng xóm kể lại: Cha mẹ của anh Bình và chị Thẩm hai bên đều rất nghèo. Do đó, khi hai người cưới nhau, ra riêng cuộc sống cũng khó khăn theo. Bù lại, cả hai vợ chồng đều chí thú làm ăn. Đến mùa lác, cả hai vợ chồng đều ở ngoài ruộng (làm công), đến con nước rong thì đặt lú thì ở dưới sông. Khi có được con tôm, con cá chị Thẩm đi bán ở xóm để đổi gạo. Nhờ tiện tặn, anh Bình và chị Thẩm mua được hơn 300 m2 (nền nhà đang ở, ngoài ra không có ruộng), rồi mua căn nhà cũ (bằng cây dừa) của một người cùng xóm dựng lại ở tạm.

Hai năm trước, nhờ nguồn vốn của Hội LHPN, chị Thẩm vay được 6 triệu đồng, nâng từ chiếc ghe nhỏ lên chiếc ghe có trọng tải 3 tấn. Từ đó, vợ chồng anh Bình và chị Thẩm đi đặt lú được xa hơn, không sợ sóng to gió lớn như trước đó. Nào ngờ, sáng 14/10/2010 trở thành buổi sáng kinh hoàng và định mệnh cho cho gia đình anh chị.

Em Phương 5 năm liền là HS giỏi
Em Phương 5 năm liền là HS giỏi

Cần lắm những tấm lòng

Chúng tôi tìm đến nhà của hai em Phong và Phương vào ngày chủ nhật, song hai em đều đi học không có nhà. Thấy có khách tìm, bà con quanh xóm đến rất đông. Chị Tư Quận nói: gần 2 tháng rồi mà hai cháu vẫn chưa hoàn hồn, cả hai đều thơ thẩn, sợ sệt. Thương cháu, ông nội ngày thì đi ruộng, đêm đến ngủ với hai cháu.

Qua gần 2 giờ chờ Phong và Phương đi học về, chúng tôi được tiếp xúc với những người hàng xóm tốt bụng, “tối lửa tắt đèn có nhau”; “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Người thiếm dâu của Phong và Phương (cùng xóm) vừa mang đến cho hai đứa cháu 5 lít gạo và vội vã vo gạo bắt nồi cơm giúp 2 cháu khi học về có cơm ăn. Người thiếm vừa làm vừa nói: “Chòm xóm ai có cá cho cá, ai có rau cho rau, ai cũng sợ hai cháu bỏ học giữa chừng...”

Hôm tang lễ xong, chi bộ và Ban nhân dân ấp Đức Mỹ vận động nhân dân tùy lòng hảo tâm quyên góp được hơn 1 triệu đồng để hỗ trợ cho hai cháu trong những lúc khó khăn. Nói về số tiền này, Lê Thị Diễm Phương nghẹn ngào: “Tụi con chưa dám xài, để khi nào hết gạo thì mua, hiện tại chỉ mua nhang đốt cho cha và mẹ.”

Lê Thị Diễm Phương 5 năm liền là học sinh giỏi. Vậy mà, gần 8 năm đối với Phong và 6 năm đối với Phương phải nằm dài trên chiếc giường mỗi khi học. Thương cháu, ông Nội vừa cho hai cháu chiếc bàn tròn (đã cũ) để ngồi học cho dễ hơn; thương và chia sẻ cho hoàn cảnh của bạn, trường THCS Đức Mỹ đã vận động hỗ trợ 50 ngàn đồng/tháng cho Phong và Phương (từ phong trào Đội).

Cuộc sống của hai em Phong và Phương hiện tại đang bắt đầu từ số “0”. Khi hỏi về mơ ước, cả hai đều mong muốn được tiếp tục đến trường. Và, mơ ước lớn nhất hiện nay là có được chiếc bàn để ngồi học. Dù ước mơ này thật sự không lớn, song cả Phong và Phương đều đang cần đến những tấm lòng.

Mọi sự giúp đỡ, quý vị có thể liên lạc với cô giáo chủ nhiệm của em Phương theo địa chỉ sau:

Cô Lê Thị Loan Thảo, Số ĐT: 0746 502 545.
Trường THCS xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Trường On

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ