Tận thu cau non
Bà Lê Thị M, chủ một cơ sở sấy cau khô ngụ ở xã Hương Phú huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trước đây thương lái Trung Quốc đến đây đặt mua cau non tươi để chuyển về bên kia biên giới với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng hai tháng qua, họ không thu mua cau tươi mà chuyển sang mua cau non sấy khô.
Họ mua làm gì chúng tôi cũng không rõ". Cũng theo bà M hiện cơ sở sấy cau khô của bà mua cau non với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg (tính cả nhánh cau), sau khi sấy sẽ bán cho thương lái với giá 22.000 đồng/kg cau loại 1; 20.000 đồng/kg cau loại 2.
Sau khi đun từ 1 - 2 giờ cau được chuyển sang các lò sấy và được sấy khô trong thời gian khoảng 1 giờ, sau đó được làm nguội và chuyển sang khâu phân cỡ, đóng thùng và xuất đi ra các tỉnh phía Bắc.
Tranh thủ thời gian nông nhàn nhiều bà con nông dân đến làm thêm ở những cơ sở thu mua cau |
Tại địa bàn huyện miền núi Nam Đông và Thị xã Hương Trà (hai địa phương có số lượng cau trồng kinh tế lớn tỉnh Thừa Thiên- Huế) xuất hiện nhiều thương lái đến từ Hải Phòng, Hà Nội hoặc thương lái người địa phương đi thu mua cau non trong vườn người dân để đưa về các cơ sở sấy khô trên địa bà rồi nhập sang Trung Quốc.
Tại cơ sở bà Phan Thị Hoa ở thôn 9, xã Hương Hòa (huyện Nam Đông), bình quân mỗi ngày cơ sở bà thu mua khoảng gần 10 tấn cau non.
Số cau này sau đó được tách buồng, phân loại, luộc chín và đưa vào lò sấy. Sau khi sấy liên tục gần 1 tuần, cau tiếp tục được phân loại lần nữa để đóng bao bán cho thương lái Trung Quốc.
Hiện trên địa bàn xã Hương Hòa có 5 cơ sở thu mua cau non và sấy khô. Sau khi hoàn thiện các công đoạn, cau sấy khô được chuyển lên xe tải để đưa ra cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) cung cấp cho thương lái Trung Quốc.
Thu mua cau khắp nông thôn đến thành thị |
Riêng ở Thị xã Hương Trà việc thu gom cau non được tập trung về 2 đại lý chính là hộ ông Phạm Sinh và Phạm Cường ở thôn Giáp Nhì (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế).
Vừa nhập 41 kg cau non từ một thương lái, ông Phạm Sinh chủ cơ sở thu mua cau non cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở ông nhập vào khoảng 2 tấn cau non từ các thương lái. Cau non được các thương lái thu mua tại vườn với giá 12.000 đồng/1kg.
Sau khi nhập cau non về, ông thuê người trong thôn tách cau ra khỏi buồng đóng vào bao xuất ra các đại lý ở phía Bắc với giá 20.000 đồng mỗi kg để xuất sang Trung Quốc.
Mùa thu mua cau non bắt đầu từ cuối tháng 7 đến tháng 12. Theo ông Sinh, cau non khô được người Trung Quốc mua về chế biến kẹo cau xuất sang các nước châu Âu.
Ngoài cơ sở ông Sinh ở thôn Giáp Nhì (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà), cơ sở ông Phạm Cường cũng thu mua cau non với số lượng rất lớn. Hàng ngày, cơ sở thu mua khoảng 10 tấn cau non, thuê khoảng 10 nhân công tách cau khỏi buồng.
Cảnh giác với “bẫy kinh tế”
Thu mua cau non tại nhà |
Từ khi phong trào thu mua cau non xuất hiện ở các tỉnh miền Trung nhiều người dân biết trèo cau ở địa phương đã trở thành những người đi thu mua rồi bán lại cho các cơ sở tập kết cau để kiếm lời. Trung bình, mỗi ngày một người kiếm từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Bà Đặng Thị Liễu một tiểu thương chuyên bán cau trầu phục vụ đám cưới ở chợ Đông Ba TP. Huế cho biết: Cứ đến gần tết mỗi quả cau đẹp có khi bán được từ 10 đến 15.000/quả. "Buồng cau mua để làm lễ vật đi cưới hoặc hỏi vợ cho con người mua chỉ cần đẹp, quả tròn đều.
Nếu có cau vào thời điểm đó bà con trồng cau bán rất được giá. Có khi bán buồng cau cưới quá tròn đẹp đổi được 5 phân vàng. Bản thân mình bán cau cưới quanh năm nhiều lúc phải "ngậm đắng nuốt cay" bỏ tiền túi 3 triệu đồng/đồng để mua một buồng cau cưới vì đã "lỡ hứa" với khách.
Cau non được đưa vào lò sấy khô trước lúc đưa sang Trung Quốc |
Ở mô (đâu) không biết, chứ riêng Huế cầm mấy miếng cau khô và dăm ba ngọn trầu đi hỏi vợ cho con là "không ổn" rồi. Vì vậy cau có đắt mấy cũng phải có trong mâm lễ. Không hiểu thế nào bà con trồng cau lại bán cả cau non. Trong lúc đó gần Tết là thời điểm cau bán đắt giá nhất, bà con trồng cau chính là người hưởng lợi", bà Liễu giải thích
Một hộ dân có cau non ở đem bán ở Hương Hòa – huyện Nam Đông chia sẻ: “Cách đây 2 năm, các thương lai Trung Quốc đột ngột dừng mua cau khiến các hộ dân chúng tôi đành phải để cau khô héo trên cây. Với chúng tôi thì thiệt hại không đáng kể nhưng với những chủ cơ sở thu mua thì phải đến sạt nghiệp vì cau nhập về không bán được”.
Với mánh khóe nâng giá mua để triệt hạ nguồn cung rồi sau đó độc quyền đẩy giá bán, chỉ cần 2 thương lái Trung Quốc kết hợp lại là có thể khiến sản nghiệp người dân điêu đứng. Việc thu mua cau non sấy khô để bán sang Trung Quốc với lí do làm kẹo và để xuất khẩu từ Trung Quốc đi các nước xứ lạnh (!?) cũng dấy lên nhiều mối nghi đòi hỏi người dân phải tỉnh táo cảnh giác.
Đặc biệt tình trạng mua tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì nhà vườn có lợi, nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm và cũng không loại trừ chuyện thương lái Trung Quốc sẽ đột ngột dừng mua như đã từng giở chiêu trò với nhiều loại nông sản khác và khiến người dân lãnh đủ. Vì thế nhiều người dân miền Trung cũng phải sức cảnh giác, không vội vàng đốn bỏ nhiều loại cây ăn trái khác để trồng cau.
Giải thích về số lượng đại lý thu mua cau rồi lập lò phơi xấy tăng đột biến tại địa phương ông Nguyễn Xuân Chinh, Phó chủ tịch phường Hương Văn (thị xã Hương Trà) thông tin: Cách đây hai năm trên địa bàn từng xảy ra hiện tượng thương lái ồ ạt thu mua cau non xuất sang Trung Quốc.
Lúc đó, nhiều thôn trên địa bàn phường có cơ sở thu mua cau non từ các hộ dân. "Hiện nay trên địa bàn phường chỉ còn hai cơ sở ở thôn Giáp Nhì là có thu mua cau, còn thu mua cau non hay cau già, chúng tôi chưa nắm. Nhiều hộ dân tranh thủ việc đồng áng ít cũng đi thu mua cau về nhập cho hai cơ sở này kiếm lãi. Do số lượng người đi thu mua không cố định nên phường không nắm rõ", ông Chinh nói.