Như Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, sau khi thống nhất Trung Quốc, đã ban hành quy định thống nhất văn tự (thư đồng văn) và kích cỡ đường bộ để xe ngựa đi được khắp nước (xa đồng quỹ).
Các vị vua triều Nguyễn đã cho treo chính giữa điện Thái Hòa trong kinh thành Huế bài thơ có câu “Xa thư vạn lý đồ” để thể hiện việc thống nhất của đất nước. Không chỉ thống nhất về “thư” và “xa”, các triều đại xưa cũng thường thống nhất cả các phương tiện đo lường để cả nước áp dụng chung.
Sau khi vua Gia Long lên ngôi, để thống nhất thước đo chiều dài, nhà vua đã cho ban hành cây thước Trung Bình.
Sử triều Nguyễn cho biết, năm Gia Long thứ 5 (1806) “vua sai chế ra cây Trung Bình xích”. Cây thước này được áp dụng đến năm 1810 thì được điều chỉnh.
Theo bộ “Đại Nam thực lục” do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn viết rằng: “Tháng 8 (Năm Canh Ngọ, Gia Long thứ 9 (1810)) ban thước kinh đo ruộng cho trong ngoài. Thước kinh do triều Lê cũ chế ra ban hành đã lâu, dân gian vẫn thường dùng.
Năm Gia Long thứ 5 (1806) mới dùng thước Trung Bình, chế hơi dài hơn, bởi thế đo ruộng mẫu số sai nhau nhiều. Vua sai hỏi tìm được thước kinh cũ. Lấy được ở dân xã Cổ Linh, huyện Gia Lâm (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội), bèn theo cách thức ấy lấy đồng (nặng 1 cân 12 lạng) mà làm ban cho các thành dinh trấn.
Những ruộng đất công tư từ trước đã dùng thước Trung Bình mà khám đạc, thì làm sổ để đó mà theo. Từ nay nếu có việc tranh địa giới hay tố cáo ẩn lậu và báo xin khai khẩn thì dùng thước kinh để đo”.
Ngoài thước đo ruộng, dân gian còn dùng loại thước đo vải, đo gõ (thước thợ may). Vì vậy, để thống nhất, mùa Xuân năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua cũng sai chế thước may và thước đo gỗ chuẩn bằng đồng để cấp cho các nha môn ở Kinh và ở ngoài.
“Đại Nam thực lục” ghi: “Vua thấy từ trước đến nay thước may bằng đồng nhà nước cấp chưa được thống nhất, mà thước đo gỗ bằng đồng cũng chưa ban hành, sai bộ Hộ, bộ Công hội đồng với Vũ Khố theo cách thức mà làm để cấp”.
Một số hiện vật thước cổ thời Nguyển để lại cho biết, ban đầu một thước đo vải chuẩn của triều đình dài khoảng 42,4cm - 42,5cm. Đến khi thực dân Pháp quy định lại thì chiếc thước vải còn 40cm.
Về cây thước đo ruộng thời Nguyễn, hiện vật ở bảo tàng cho thấy thước Trung Bình của thời Nguyễn dài bằng cây Điền xích của thời Lê, với tiêu chuẩn là 47cm.
Đến ngày 2/6/1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký ban hành một nghị định quy định: “Kể từ ngày 1/1/1898, ở Bắc Kỳ, 1 thước Nam có độ dài bằng 0,4 mét” (tức là ngắn hơn so với trước đó 7cm).
Ảnh minh họa ITN. |
Về phương tiện đo lường, vào tháng 10 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), triều Nguyễn cũng định lệ và ban cân Thiên Bình kiểu mới cho trong Kinh, ngoài các tỉnh.
Trước đó, đình thần tâu lên nhà vua rằng: “Bấy nay các nha ở trong Kinh, ngoài các tỉnh đều được cấp các hạng cân Trung Bình và Thiên Bình để dùng; những cân Thiên Bình khi trước dùng cán bằng gỗ, trong khi thu, chi, quân gian xảo có khi tìm cách xoay xỏa xê dịch đi được, huống chi cân dùng đã lâu ngày, không khỏi sai một ly đi một dặm.
Năm trước, chế tạo ba bộ cân Thiên Bình lớn, vừa và nhỏ kiểu mới, cất ở Vũ khố, so cùng hạng cân cũ rất chính xác. Tưởng bên ban cấp một loạt, để dùng làm chuẩn đích cho việc cân các đồ vật và hàng hóa.
Hạng cân nhỏ đã có cân Trung Bình cũng đủ dùng, không cần chế cấp nữa; còn hạng lớn và hạng vừa, xin sai đốc công ở Vũ khố, theo mẫu chế tạo mỗi thứ 30 bộ. Vua y cho”.
Các loại quả cân mà đình thần xin đúc mẫu, gồm: Hạng lớn, mỗi bộ 10 quả cân; hạng 100 cân, 70 cân, 50 cân, 40 cân, 20 cân và 10 cân có 6 quả; hạng 4 cân, 3 cân, 2 cân và 1 cân có 4 quả.
Hạng vừa mỗi bộ 10 quả cân; hạng 40 cân, 30 cân và 20 cân có 3 quả; hạng 4 cân, 3 cân và 2 cân 3 quả; hạng 8 lạng, 5 lạng, 2 lạng, và 1 lạng, có 4 quả.
Đòn gánh bằng sắt và các vật phụ tùng cho mỗi chiếc cân đều đủ. Quả cân, dùng 7 phần đồng, 3 phần chì mà đúc, chung quanh trên dưới đều có chạm hoa văn.
Chiếc cân (dạng cân thăng bằng có cán cân đều hai bên, có dây treo) cũng được quy chuẩn lại như sau: “Dây cân và cán cân, trước làm bằng đồng; nay đổi lại: Dây cân làm bằng sắt, cán làm bằng gỗ rắn, dưới đặt 3 cái nẹp sắt, có cái sắt chữ thập đón lấy. Hạng lớn rộng 1 thước 4 tấc, hạng vừa rộng 1 thước 2 tấc”.
Sau khi chế cân chuẩn và đúc quả cân xong, vua sai phát cho Nội vụ, Vũ khố, các tỉnh và thành Trấn Tây. Hạng lớn, hạng vừa mỗi thứ 1 cái. Nếu cân từ 1 phân đến 8 cân thì dùng cân Trung Bình đã cấp cho trước; 9 cân đến 100 cân thì dùng cân hạng vừa mới cấp; 100 cân đến 300 cân thì dùng cân hạng lớn.
3 bộ quả cân lớn, vừa và nhỏ kiểu mới đó đều giao cho bộ Hộ giữ, để phòng xét nghiệm. Các hạng cân cũ như Thiên Bình, 100 cân, 10 cân mà các nha được cấp trước đều cho thu về để vào kho.
Vua Minh Mạng cũng sai các bộ, tỉnh chỉnh lại chiếc cân chuẩn bằng cách lấy quả cân chuẩn mới ban hành để thử lại, nếu bên cân nào hơi nhẹ, thì thêm vật khác vào cho nặng lên, cốt đầu kim phải chỉ đúng giữa, rồi sau mới cân các đồ vật, để đảm bảo khi cân, xê đi dịch lại, hoặc sang trái, sang phải đều không sai.
“Đại Nam thực lục” chép rằng vua ra chỉ dụ: “Nếu kẻ lại dịch, hoặc nhân cán gỗ không đều, mà xoay xỏa, tùy ý làm cho hơn kém, thì cho tham hặc và xét lại”.
Một cân thời Nguyễn có trọng lượng bằng 604,5gr ngày nay.