Thuốc lá thế hệ mới tấn công giới trẻ: Tác hại “kép”

GD&TĐ - Tin rằng thuốc lá thế hệ mới là sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống, giới trẻ tìm đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà không nhận thức được đây là mối nguy hiểm lớn với sức khỏe.

Tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá thế hệ mới với học sinh, sinh viên.
Tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá thế hệ mới với học sinh, sinh viên.

ThS.BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương:

Chất độc giống thuốc lá truyền thống

ThS Vũ Văn Thành
ThS Vũ Văn Thành

Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp nhận thanh niên 16 tuổi viêm phổi tăng bạch cầu cấp tính mức độ nặng sau sử dụng thuốc lá nung nóng 2 tuần, với triệu chứng khó thở nặng dần. Bệnh nhân chuyển đến khoa cấp cứu và được đặt nội khí quản, thở máy, chạy ECMO do suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi cấp tăng bạch cầu ái toan, hình ảnh X quang ngực và tăng bạch cầu ái toan trong đờm.

Về bản chất, thuốc lá điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch có chứa nicotine và các chất hóa học khác, đựng trong ống, bình bắt mắt, dùng một lần hoặc có thể tái nạp, tạo ra khói để người sử dụng hít vào. Còn thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị và sản phẩm thuốc lá chuyên dùng làm sản sinh ra khí chứa nicotine và hóa chất khác.

Sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lâu dài, người dùng sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh phổi, tổn thương phổi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, nguy cơ ung thư, bệnh ngoài hô hấp và tác hại của phơi nhiễm thụ động.

Thuốc lá điện tử còn có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển của thanh thiếu niên, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não, kiểm soát sự chú ý, tập trung học tập…

Thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng xấu không chỉ đến sức khỏe, môi trường mà còn với lối sống, hành vi của giới trẻ. Bằng chứng cho thấy, việc cho phép bán dù là thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng đều mang lại tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

ThS Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế:

Chưa có phương pháp cai nghiện riêng

ThS Trần Thị Trang
ThS Trần Thị Trang

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có chứa chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường. Bản chất sản phẩm này vẫn là cung cấp chất gây nghiện nicotine.

Đáng lo ngại, tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng gia tăng kéo theo hệ lụy về chất lượng giống nòi. Các mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe và chất lượng giống nòi trước tác hại của thuốc lá sẽ không đạt được.

Do đó, Việt Nam cần cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha).

Về chính sách đối với thuốc lá nung nóng, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản liên quan chưa tạo ra hành lang pháp lý để quản lý như sản phẩm thuốc lá thông thường.

Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, do đây là sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng. 

ThS Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam:

Thanh thiếu niên là “thị trường” của công ty thuốc lá

ThS Lê Thị Thu
ThS Lê Thị Thu

Vì lợi nhuận nên ngành công nghiệp thuốc lá luôn tìm kiếm đối tượng sử dụng thuốc lá mới để thay thế và đối tượng hàng đầu được nhắm tới chính là giới trẻ.

Thực tế, ngành công nghiệp thuốc lá đã lên một kế hoạch trên phạm vi toàn cầu với chiến lược phát triển sản phẩm nhắm đến giới trẻ như: Thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đóng gói như kẹo, nhiều hương vị, giá rẻ… Tiến hành giới thiệu sản phẩm và dùng thử ở các cửa hàng bán lẻ. Sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng, có ảnh hưởng quảng cáo thuốc lá; tận dụng người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng như Facebook, Instagram, Tiktok... Đồng thời, bán thuốc lá qua các trang thương mại điện tử.

Khảo sát nhanh do Hội Y tế công cộng phối hợp với tổ chức HealthBridge thực hiện tại Hà Nội cho thấy, thanh thiếu niên bị tác động bởi thuốc lá điện tử khá đơn giản và cảm tính.

Một bạn nam 21 tuổi cho biết: “Có hai yếu tố. Đầu tiên là hương vị, nó có rất nhiều mùi khiến mình rất thích. Cái thứ hai là nó  sạch sẽ, không để lại mùi hôi như thuốc lá truyền thống”.

Một bạn nữ 21 tuổi cho rằng: “Em thấy thuốc lá điện tử tiện lợi hơn thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, thuốc lá điện tử có kiểu dáng, mẫu mã đẹp, nhìn rất ăn chơi”…

Ngành công nghiệp thuốc lá đã tận dụng tâm lý này của thanh, thiếu niên để tiếp thị hút giới trẻ. Một trong những chiêu thức quảng cáo đáng sợ của thuốc lá điện tử là khiến người hút nghĩ mình sẽ sành điệu hơn - đánh vào tâm lý muốn khẳng định mình của giới trẻ.

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là sản phẩm độc hại mới. Với bản chất hóa hơi, thuốc lá điện tử làm tăng nồng độ các hạt vật chất, nicotine và một số chất độc trong không khí; đồng thời làm tăng nguy cơ gây hại cho người hút và người tiếp xúc với khói thuốc, ngay cả khi hóa hơi này không nhìn thấy rõ. Thói quen hút thuốc lá mới đã làm giảm hoặc cản trở việc cai nghiện thuốc lá ở cấp độ quần thể thông qua việc sử dụng kép (xen kẽ giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử).

Hiện, tỷ lệ đang sử dụng, thuốc lá nung nóng ở Việt Nam chưa cao nhưng có xu hướng gia tăng sử dụng ở Việt Nam và trên các nước.

Do đó, Việt Nam cần khung pháp lý nhằm kiểm soát các sản phẩm này. Cơ quan chức năng cần kiểm soát các hoạt động quảng cáo, buôn bán thuốc lá thế hệ mới khi các sản phẩm này chưa được được phép lưu hành trên thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.