Bộ GD&ĐT tìm giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới trong học sinh

GD&TĐ - Chiều 31/5, Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới đối với học sinh trong trường học.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội thảo cùng với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Tổ chức HealthBridge Canada, các Sở GD&ĐT…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nêu rõ: Sức khoẻ là vốn quý của mỗi con người và của toàn xã hội. Đối với trẻ em, học sinh trong nhà trường, sức khỏe là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, sáng tạo, sự phát triển, cũng như cuộc sống của chính các em. Chăm sóc, bảo đảm sức khoẻ tốt và phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm hiệu quả cho các em là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Để hoàn thành mục tiêu này, điều quan trọng là nhà trường phải thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục và chăm sóc cho học sinh, sinh viên cả về dinh dưỡng, y tế, luyện tập thể dục thể thao, bảo vệ môi trường tự nhiên và xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Trong đó cần quan tâm đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh thông tin: Theo kết quả của Điều tra sức khỏe học sinh (từ 13-17 tuổi) toàn quốc năm 2019 và Khảo sát thực trạng phòng chống bệnh không lây nhiễm hơn 330 thanh thiếu niên Hà Nội năm 2019 của Bộ Y tế: Tỷ lệ học sinh, thanh thiếu niên đã từng hút thuốc lá khoảng 8,3% (năm 2013 là 12,1%); có 2,6% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử vào năm 2019.

Hút thuốc càng sớm thì bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Khi bắt đầu hút thuốc, thanh thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện nicotine của mình.

Hút thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và cả những người hút thuốc lá. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên trong trường học. 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Hút thuốc lá tại trường học tác động xấu tới môi trường giáo dục và gây ô nhiễm khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến việc giáo dục, rèn luyện nhân cách và tác động xấu đến sức khỏe học sinh. Hút thuốc lá trong trường là hình ảnh xấu, làm học sinh bắt chước, thử hút thuốc lá và dẫn đến nghiện thuốc lá.

Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc là đối với sức khỏe con người và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Đảng và Chính phủ đã ban hành các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên.

Đúng ngày Thế giới phòng chống thuốc lá 31/5, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức HealthBridge Canada tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới cho học sinh trong trường học nhằm thông tin rõ hơn tác hại của thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe con người; các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá; định hướng hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ sở giáo dục...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm về phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và thuốc lá thế hệ mới tại các địa phương; qua đó góp phần nâng cao vai trò của các cơ quan trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh; tích cực truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhằm ngăn chặn việc sử dụng trong học sinh, sinh viên tại các trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ