Không có tác dụng phụ
TS Hứa Hoàng Oanh và cộng sự, Đại học Y Dược TPHCM đã tiến hành nghiên cứu để tìm thêm giải pháp hiệu quả trong điều trị triệu chứng mất ngủ từ bài thuốc có thành phần gồm các dược liệu: Xấu hổ, Vông nem, Hậu phác nam và Cam thảo nam.
Theo nhóm nghiêm cứu, hiện nay, mất ngủ được coi là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người không chỉ thể chất mà cả tinh thần. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy khoảng 19 - 74% triệu chứng mất ngủ liên quan đến yếu tố tâm thần.
Để điều trị mất ngủ, ngoài liệu pháp tâm lý thì việc sử dụng thuốc an thần là rất quan trọng. Thị trường trong nước hiện có nhiều sản phẩm thuốc giải lo âu, an thần với nguồn gốc hóa dược.
Những thuốc này cho hiệu quả tốt, tuy nhiên có nhiều hạn chế do các tác dụng không mong muốn, đặc biệt là gây tăng dung nạp, lệ thuộc thuốc. Nhóm nghiên cứu đã tìm đến bài thuốc dân gian để tạo ra sản phẩm thuốc an thần khắc phục những nhược điểm của thuốc hóa dược.
Nhóm đã tiến hành một loạt các bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu và phát triển thang thuốc điều trị mất ngủ từ các dược liệu Xấu hổ, Vông nem, Hậu phác nam và Cam thảo nam.
Các nguyên liệu này đã được lấy mẫu và kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam V (DĐVN V) và theo tiêu chuẩn cơ sở đối với các dược liệu chưa có tiêu chuẩn trong DĐVN V.
Quy trình định lượng chất đánh dấu như mimosin trong Xấu hổ và coixol trong Cam thảo nam đã được xây dựng, thẩm định kỹ lưỡng. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã chiết xuất cao từ dược liệu bằng cách tối ưu hóa điều kiện chiết xuất với dung môi là nước, tỷ lệ dược liệu với dung môi là 1:21, chiết 2 lần, mỗi lần 2 giờ tính từ lúc nước bắt đầu sôi.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá tính an toàn của viên nang cứng an thần với liều tối đa 108 viên/kg thể trọng chuột, không thể hiện độc tính cấp đường uống. Chuột uống viên nang cứng an thần với liều 1 - 2 viên/kg mỗi ngày một lần, liên tục trong 60 ngày, không cho thấy bất kỳ bất thường nào về hành vi, thể trạng tổng quát, chức năng gan - thận và công thức máu.
Hướng điều trị mất ngủ mới
Khi đánh giá tác dụng an thần, giải lo âu, chống trầm cảm trên chuột bị stress cô lập, viên nang liều 1 viên/kg và 2 viên/kg giúp hồi phục giấc ngủ diazepam bị rút ngắn.
Đặc biệt, liều 1 viên/kg thể hiện tác dụng giải lo âu rõ rệt hơn, cả hai liều đều có tác dụng chống trầm cảm. Dựa trên kết quả dược lý, liều dự kiến cho người là uống ngày 2 lần, mỗi lần 2 - 4 viên, vào buổi tối và 60 phút trước khi ngủ.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá độc tính cấp của cao chiết nước (cao khô quy về 0% độ ẩm) và kết quả cho thấy không có độc tính đường uống với liều tối đa 39 g/kg thể trọng chuột.
Khảo sát liều cao có tác dụng an thần, giải lo âu cũng được thực hiện qua thực nghiệm hồi phục giấc ngủ diazepam và thực nghiệm sáng/tối. Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm tiến hành nghiên cứu bào chế sản phẩm, khảo sát loại tá dược và tỷ lệ phù hợp để xây dựng công thức viên nang cứng.
Sản phẩm viên nang cứng số 0, màu đỏ, chứa hàm lượng tương đương 360 mg cao (quy về 0% độ ẩm) đã được bào chế thành công với ba lô quy mô phòng thí nghiệm mỗi lô 1.000 viên. Tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm được đề xuất và quy trình sản xuất viên nang cứng được thử nghiệm trên ba lô nghiên cứu với quy mô 14.000 viên mỗi lô.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát độ ổn định của viên nang cứng trong điều kiện bảo quản thực tế và điều kiện già hóa cấp tốc. Kết quả sau thời gian 0, 3 và 6 tháng cho thấy sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở và không có sự biến đổi về chất lượng so với ban đầu.
Những kết quả này đã mở ra triển vọng mới trong việc ứng dụng dược liệu trong điều trị mất ngủ và mang lại hy vọng cho những người gặp vấn đề về giấc ngủ.
Theo TS Hứa Hoàng Oanh, việc phát triển viên nang từ các dược liệu trên không chỉ mở ra hướng điều trị mất ngủ mới, mà còn bảo tồn kiến thức y học truyền thống và sử dụng bền vững nguồn dược liệu bản địa. Kinh tế được cải thiện nhờ tạo ra sản phẩm mới, tăng giá trị cho nguyên liệu địa phương và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sản phẩm này giúp giảm tỷ lệ mất ngủ do stress, giảm chi phí điều trị nhờ kiểm soát được chất lượng và hiệu quả. Thang thuốc được hiện đại hóa và ứng dụng hiệu quả hơn, sử dụng nguyên liệu trong nước, nâng cao giá trị dược liệu bản địa.