Đánh thức tiềm năng
Xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tỉnh Thái Bình đã vận động người dân hình thành các vùng dược liệu tập trung, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình có vùng trồng cây dược liệu ở các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy với đủ các loại cây như đinh lăng, cà gai leo, dây thìa canh, nghệ, ngưu tất, xạ can, hoài sơn…
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm từ phía doanh nghiệp, anh Nguyễn Nhật Duật, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ đã làm chủ 6ha dược liệu trồng cây đinh lăng, xạ can, hoài sơn, địa hoàng, ích mẫu.
“Từ khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất kém hiệu quả, cho thuê để phát triển sản xuất, với nguồn đầu ra sẵn có, gia đình tôi thuê thêm 2ha ruộng để trồng cây dược liệu. Từ khi áp dụng mô hình này, điều kiện kinh tế gia đình khá lên rất nhiều”, anh Duật nói.
Chị Bùi Thị Duyên, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy đã cải tạo những khu đất bỏ hoang, cỏ mọc quá đầu người do trồng lúa kém hiệu quả thành vùng dược liệu theo hướng hữu cơ, tạo ra vùng nguyên liệu sạch, thu hút các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn.
Chị Duyên cho biết, khi các doanh nghiệp ráo riết tìm kiếm các nguồn nguyên liệu sạch, nắm bắt thời cơ, gia đình chị đã chuyển đổi 1ha diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại dược liệu như bạc hà, điền thanh, hương nhu, hắc hương, húng chanh, diếp cá.
Tại xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, ông Nguyễn Văn Tiến đã duy trì trồng 8 sào ngưu tất, bên cạnh việc bán củ tươi, ông còn sấy khô để bán với giá 60.000 - 64.000 đồng/kg.
Năm 2023, mỗi sào ông thu gần 1 tấn củ, cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần cấy lúa.
Hiệu quả “kép” từ trồng cây dược liệu
Bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình trồng cây dược liệu đã tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân.
Mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Chuân, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ thu về trên 100 tấn dược liệu thô từ cây bạc hà, hoa cúc, cây hẹ với giá hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động với thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Nhân rộng mô hình, anh Chuân vận động thêm 7 hộ trong xã cùng sản xuất trà hoa cúc, bạc hà, và trồng hẹ cho gia đình anh và từng bước xây dựng được thương hiệu.
Tương tự, các thành viên của tổ hợp tác Gồ Trại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy đã xây dựng vùng dược liệu với 50% diện tích đất trồng bạc hà thu về 4 tấn/năm, giải quyết được việc làm cho 6 lao động cố định với mức lương từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng và 10-15 lao động thời vụ.
Việc phát triển vùng dược liệu tập trung đã giúp thu nhập của các thành viên, người dân tăng gấp 4 - 5 lần so với trồng cây lúa. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho nhiều người dân mỗi khi nông nhàn.
Gia đình ông Nhữ Đình Tịnh, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà thoát nghèo nghèo nhờ cây cà gai leo và cây khổ sâm. |
Gia đình ông Nhữ Đình Tịnh, xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà được một doanh nghiệp hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ cây cà gai leo và khổ sâm.
“Một năm gia đình tôi thu hoạch 3 đợt cà gai leo, sau đó sấy khô xuất bán mỗi lứa thu gần 20 triệu đồng. Riêng khổ sâm thu hoạch quanh năm. Nhu cầu thu mua sản phẩm của các doanh nghiệp rất lớn nên tôi phải thuê thêm 2 người làm với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng”, ông Tịnh nói.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch hội làm vườn tỉnh Thái Bình cho biết, từ ngày các vùng dược liệu được quy hoạch, bà con rất phấn khởi bởi họ không chỉ được đầu tư giống, tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến mà còn được đảm bảo đầu ra, không còn nỗi lo được mùa mất giá.
Thời gian tới, hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho nông dân đi tham quan mô hình, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con thấy được hiệu quả, giá trị kinh tế của cây dược liệu.
Từ đó giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất trên diện tích lớn để hướng đến sản xuất hàng hóa.