- Đây là sản phẩm đạt giải Nhất trong Hội thi Khoa học - kỹ thuật cấp thành phố năm học 2014-2015 dành cho học sinh khối THPT và THCS do Sở giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng phát động, tổ chức.
- Ngày 14/3 tới, Khải sẽ đại diện cho Đà Nẵng mang sản phẩm này dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp.
“Sản phẩm này được triển khai trên ý tưởng của em Gia Khải. Thầy trò chúng tôi đã mất hơn ba tháng để đem ý tưởng từ trên giấy ra một sản phẩm hoàn thiện. Trong vòng một tháng, sau hai lần bị sự cố chập điện, sản phẩm đã thành công.
Sự say mê sáng tạo của em Khải đã góp phần giúp cho phong trào học tập, sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh trong trường có động lực mới”, thầy giáo Trà Lam Khôi, giáo viên hướng dẫn em Khải chia sẻ.
Niềm vui vì “ẵm” được giải Nhất cấp thành phố cho sản phẩm Thùng rác thông minh còn in rõ trên gương mặt của Khải – Cậu học trò lớp 9 với dáng cao, nụ cười hiền và những lời tâm huyết dành cho Thùng rác thông minh.
“Em với thầy Khôi đã bỏ nhiều thời gian để làm bằng được sản phẩm này. Vì các mạch điện bên trong rất phức tạp nên để có được sản phẩm hoàn thiện này, đã hai cái bị hỏng vì cháy bo mạch điện”. Nói rồi Khải đến bên sản phẩm của mình, cắm điện khởi động.
Chúng tôi khá bất ngờ vì tiếng nhạc và loa phát ra “lời chỉ dẫn” từ Thùng rác thông minh với lời khuyên được lặp đi lặp lại ba lần: “Chào các bạn đến với thùng rác thông minh! Các bạn chú ý, thùng màu đỏ bên trái là để bỏ rác vô cơ, thùng màu xanh lá cây bên phải là để bỏ rác hữu cơ. Hãy bỏ rác đúng nơi quy định nhé, cảm ơn các bạn!”.
Khải cười khi bật mí lời âm thanh đọc trong máy này do thầy giáo Khôi thu âm. Còn bộ cảm ứng hồng ngoại thì nhờ bố đặt mua tại Hà Nội gửi vào.
Điều độc đáo của Thùng rác thông minh này là phù hợp với nhiều người sử dụng, đặc biệt là người khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị. Sau khi cắm điện, khoảng năm giây tất cả các bộ phận bên trong thùng rác sẽ khởi động và thực hiện chức năng.
Khải giới thiệu về sản phẩm của mình: Thùng rác thông minh gồm hai thùng chứa rác, một bên đựng rác vô cơ màu vàng, bên còn lại đựng rác hữu cơ màu xanh. Khi cắm điện vào, trong vòng năm giây, bằng mắt cảm ứng quang nhiệt, thùng rác sẽ nhận diện khi có người lại gần, đồng thời bộ đèn led làm hai thùng rác in chữ “rác vô cơ”, “rác hữu cơ” sáng lên.
Tiếp sau đó là âm thanh nhắc nhở thân thiện lặp lại ba lần, để người dân bỏ rác vào thùng. Cấu tạo thùng rác gồm bộ cảm ứng quang nhiệt, máy Mp3, loa, biến thế (220V-V), nguồn điện 220V, công tắc, đèn led, mạch điều khiển đèn led.
Khải là học sinh đam mê sáng tạo, trước đây khi còn học lớp 5, em cũng đã sáng tạo thành công dụng cụ gỡ kẹo cao su. Khải nói rằng, khi thành phố Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường và triển khai năm văn hóa, văn minh đô thị, em nghĩ ngay đến việc làm một chiếc thùng rác thông minh.
Ngoài việc thỏa niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi vì em rất thích học môn Vật Lý, Khải còn muốn hình thành thói quen đổ rác phân loại cho người dân. Khi sử dụng thùng rác thông minh này, người dân sẽ ý thức hơn về việc đổ rác.
“Tính ra chi phí một thùng rác hết khoảng một triệu đồng, em nghĩ giá thành này sẽ phù hợp với việc đặt thùng rác tại các khu chung cư, trường học, bệnh viện. Vừa sạch sẽ vừa tạo mỹ quan đô thị”, Khải mạnh dạn chia sẻ.