Người TP mong mỏi cú đột phá của cơ quan mới này để bảo vệ sức khỏe người dân.
Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nóng như hiện nay. Hằng ngày, trên truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông đại chúng khác liên tục đưa tin về những cơ sở sản xuất thực phẩm thiếu an toàn, những vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra mà nạn nhân hầu hết là công nhân các khu công nghiệp, bị cung cấp những suất ăn từ những thực phẩm hư hỏng...
Những thực phẩm biến chất được “hô biến”
Qua giới thiệu của một người bạn kinh doanh trong ngành thực phẩm, tôi tìm đến gặp bà Tám S., chủ một cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp ở Thủ Đức.
Trong vai chủ cơ sở may với hơn trăm công nhân, tôi muốn thương lượng về giá cả và thành phần thực phẩm với bà chủ cơ sở. Sau khi thương lượng giá cả và thực đơn luân phiên 6 ngày trong tuần, tôi muốn tham quan chỗ chế biến và nấu ăn. Ban đầu bà chủ ngập ngừng nhưng với mối bở và có vẻ tay mơ như tôi, bà Tám hẹn hôm sau sẽ đưa tôi đi tham quan.
Sáng hôm sau, tôi đến sớm hơn giờ hẹn 30 phút nên mặc dù đã có lệnh chuẩn bị làm vệ sinh khá tươm tất nhưng tôi vẫn nổi da gà khi mở nắp coi mấy thùng đựng những “thứ gọi là thực phẩm tươi sống” được ướp lạnh thủ công với mấy cây nước đá đập nát phủ lên trên.
Một mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi tôi muốn buồn nôn nhưng người giữ kho vẫn oang oang là thịt gà tươi roi rói. Thịt gà nhập - hầu hết là chân, đầu, cổ, cánh - rất rẻ vì theo anh bạn kinh doanh trong ngành thực phẩm thì loại thịt nhập về theo dạng làm thức ăn gia súc.
Không nói ra thì ai cũng biết, khi nhập về thì nó hô biến thành thức ăn cho người. Điều đáng nói là những lô thịt này có lẽ đã đi từ Mỹ qua Việt từ năm ngoái, được chuyển đi từ kho này đến kho khác và qua nhiều trạm trung chuyển mới đến đây nên thịt đã chuyển sang màu thâm đen. Vậy mà khi sang bếp chế biến, mùi chiên xào nghe thơm phức nức mũi. Dĩ nhiên tôi phải tìm cách thoái thác.
Những thực phẩm không an toàn, thậm chí độc hại không chỉ vào các suất ăn công nghiệp dành cho công nhân với đồng lương ít ỏi phải chấp nhận mà nó còn đến tận nhiều quán ăn bình dân.
Đôi khi nó cũng chen chân vào một số nhà hàng tầm tầm. Như trường hợp một người bạn tôi vừa bị ngộ độc khi ăn phải món cánh gà chiên nước mắm ở một quán bên sông Sài Gòn, gần chân cầu Bình Lợi.
Bạn tôi cũng thuộc diện sành ăn nhưng hôm đó do đói quá, ăn vội mấy miếng cánh gà xong mới phát hiện ra thịt gà đã “chuyển tông màu”.
Không ngờ một nhà hàng ven sông thuộc loại kha khá lại nhập về bán cho thực khách đồ hết hạn như thế. Bạn tôi nổi đóa, sừng sộ, toan kêu quản lý đến làm dữ nhưng mấy người đi cùng bảo lâu lắm anh em mới gặp nhau nên xin anh vui vẻ bỏ đi, mai mốt không đến nữa cho xong. Bạn tôi hậm hực lắm nhưng nể bạn bè nên thôi. Đêm đó về tới nhà bạn tôi bị “Tào Tháo” rượt chạy suốt đêm!
Đó là hàng Mỹ. Còn hàng nhập từ Trung quốc thì khỏi nói. Hên xui ráng chịu. Cô bạn tôi mua mấy ký táo và lê rất đẹp, dán nhãn táo Mỹ, lê Hàn Quốc để chưng Tết.
Tết qua đã lâu nhưng lê, táo vẫn còn tươi rói như mới hái. Biết là bị lừa đẹp nhưng cũng hậm hực xẻ ra coi thử. Thì ra bên ngoài đẹp đẽ nhưng trong ruột cả táo lẫn lê cứng ngắc và bốc ra toàn mùi hóa chất.
Dân ta đầu dộc dân mình
Đâu chỉ hàng Trung Quốc bơm hóa chất. Hôm đầu tháng âm lịch vừa qua, tình cờ gặp một người quen là chủ vườn ở Long Khánh, chở chôm chôm lên giao cho vựa, đang lấy tiền.
Thấy tôi đang lựa mua mấy ký chôm chôm về cúng, anh thật thà khều tôi nói nhỏ: “Thôi đừng mua anh ơi, tui lỡ lấy tiền cọc “bán đếm cây” cho họ nhưng tui thấy họ cho người hái rồi bỏ thứ bột trắng gì vô bao cho mau chín đều, tui sợ quá dù họ nói “không sao đâu, bột giú trái cây an toàn đó mà”.
Anh cũng phân tích thêm rằng khi mua đếm cây, thương lái họ vặt hết trái không cần biết non già, rồi họ rắc bột giú gì đó thoải mái mua ở chợ Kim Biên, hôm sau thì tất cả trái chín đều rất đẹp, tươi ngon!
Anh bảo cả chuối người ta cũng chặt xanh, non rồi phủ bao bố rắc bột trắng cho mau chín. Ăn những thứ trái cây giú ép bằng hóa chất này “biết ra sao ngày sau”.
Tại các chợ, nhất là các chợ nhỏ, chợ chồm hổm, người ta không chỉ bán trái cây giú ép bằng hóa chất mà nhiều loại rau chở từ xa về có nhiều thứ cũng được phun hóa chất gì đó để giữ tươi lâu.
Dân mình vẫn cứ đầu độc dân ta, thật đáng buồn vì nạn nhân hầu hết là bà con nghèo. Bởi người giàu họ chỉ chọn mua những thực phẩm cao cấp, hàng nhập an toàn thôi.
Vụ mấy chục công nhân ở Bình Dương vừa qua trúng độc thực phẩm phải nhập viện, trong đó có bà chị họ của tôi. Chị bảo họ cho ăn thứ gì nghe mùi “giống như thịt” mà ăn xong là cả đám ói mửa tới mật xanh.
Chị nói cũng may mà ói được, bao nhiêu thứ trong bụng tống hết ra ngoài, tuy mệt nhưng nhẹ hẳn người. Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm sở tại tiến hành điều tra, xử phạt nhưng có vẻ đâu lại vào đó.