Thực hiện Kết luận số 563/TB-ĐGS ngày 28/7/2023 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình.
Trong báo cáo này, đối với nhận định của Đoàn giám sát "Việc thực nghiệm, đánh giá tác động đối với những nội dung đổi mới quan trọng của Chương trình chưa được chú trọng, thực hiện trong thời gian ngắn, phạm vi hẹp", Chính phủ có ý kiến như sau:
Thực hiện mục tiêu, yêu cầu và nội dung đổi mới quy định tại Nghị quyết 88, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục, điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.
Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục; không quy định quá chi tiết, tạo điều kiện cho tác giả SGK và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Với quan điểm đó, Chương trình GDPT 2018 là một văn bản quy phạm pháp luật, được xây dựng theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng, dự thảo chương trình được xin ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, nhà giáo và các tầng lớp nhân dân.
Nội dung Chương trình GDPT mới được kế thừa Chương trình GDPT 2006, vì vậy việc thực nghiệm sẽ không thực hiện đối với các nội dung đã có trong Chương trình GDPT 2006; chỉ tổ chức thực nghiệm tập trung vào các nội dung mới, quan trọng và địa điểm thực nghiệm đã được chọn đại diện cho các vùng miền trong cả nước.
Tại Tờ trình số 335/TTr-CP ngày 18/9/2014 trình Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT đã nêu: Nhà nước tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình. Việc thực nghiệm chương trình được triển khai một cách thiết thực, gọn nhẹ và thường chỉ tiến hành đối với nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới. Chú trọng phân cấp trong xây dựng và quản lý chương trình một cách linh hoạt, thống nhất trong đa dạng.
Với quan điểm xây dựng chương trình theo hướng mở, Chương trình GDPT 2018 vừa bảo đảm tính ổn định, vừa bảo đảm khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế.
Phát triển Chương trình GDPT là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học mới (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).