Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây tốn kém cho xã hội.

Cô trò Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ học.
Cô trò Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) trong giờ học.

Đây là một nội dung trong báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, trước đề nghị của Đoàn giám sát “đánh giá về việc tiếp tục giao Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để bảo đảm thực hiện vai trò chủ đạo của nhà nước trong thực hiện các chính sách GD-ĐT…”, Chính phủ có ý kiến tại báo cáo như sau: Chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã có kết quả tích cực. Sau 4 năm thực hiện, cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, gây tốn kém cho xã hội.

Để thực hiện hỗ trợ SGK cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét đề xuất chính sách giảm giá, hỗ trợ, không thu tiền SGK đối với học sinh thuộc các hộ nghèo, các vùng sâu xa, miền núi, hải đảo.

Xã hội hóa công tác biên soạn, xuất bản, phát hành SGK là cần thiết, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Xã hội hóa công tác biên soạn, xuất bản, phát hành SGK là cần thiết, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Đối với yêu cầu của Đoàn giám sát đề nghị "Chính phủ cho biết sự cần thiết ban hành và dự kiến chính sách chủ yếu để thực hiện cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK", Chính phủ có ý kiến như sau:

Triển khai chương trình, SGK mới cần một nguồn lực rất lớn, trong khi nguồn lực, ngân sách nhà nước còn khó khăn. Việc xã hội hóa công tác biên soạn, xuất bản, phát hành SGK là cần thiết, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Theo tinh thần xã hội hóa biên soạn SGK tại Nghị quyết 88 thì các đơn vị tham gia biên soạn SGK là cá nhân hoặc các tổ chức (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân).

Các doanh nghiệp này hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Cạnh tranh.

Tại các văn bản pháp luật này đã có các quy định về tài chính cho việc biên soạn sách nói chung và SGK nói riêng. Tuy nhiên, giá SGK có tác động rất lớn đến xã hội, cần được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, ngày 3/7/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 314/TTr-CP trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào các kỳ họp của ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV từ năm 2020 nhưng chưa được Quốc hội thông qua.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giá, trong đó quy định SGK là mặt hàng do nhà nước định giá. Thực hiện quy định này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng giá trần đối với SGK. Việc quy định giá trần SGK là cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong biên soạn và sử dụng SGK.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt các giải pháp để bảo đảm SGK, tài liệu giáo dục, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu SGK; rà soát chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành theo thẩm quyền, tránh xảy ra sơ sở, lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Việc in SGK và tài liệu giáo dục phổ thông cần được tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch theo đúng quy định; bảo đảm yêu cầu tăng chất lượng, giảm giá thành. Đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ SGK cho học sinh thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo; mua SGK đưa vào thư viện nhà trường để học sinh mượn sử dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.