Tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chương trình, sách giáo khoa

GD&TĐ - Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có nội dung về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Đây là thông tin trong báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, đối với nhận định "Công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai biên soạn, thực hiện chương trình, biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý vướng mắc, sai phạm. Đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này và phương hướng thực hiện trong thời gian tới", Chính phủ có ý kiến như sau:

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra - một trong những chức năng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, hoàn thiện quy định về biên soạn, phát hành, mua và sử dụng sách giáo khoa.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; yêu cầu các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc mua sắm trang thiết bị giáo dục và việc lựa chọn sách giáo khoa; ban hành quy định về công tác kiểm tra làm cơ sở pháp lý triển khai nhiệm kiểm tra.

Mặc dù đã tích cực, chủ động chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ nêu trên, công tác thanh tra, kiểm tra về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn những khó khăn, hạn chế; việc thực hiện trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đối với nội dung nêu trên của các địa phương theo phân cấp của Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn hạn chế, thiếu kết quả; công tác xử lý sau thanh tra còn chưa triệt để.

Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này và phương hướng thực hiện trong thời gian tới như sau:

Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục đã được Chính phủ phân công, phân cấp cho Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành và các địa phương tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn (trong đó có việc lựa chọn sách giáo khoa) thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ và các địa phương thực hiện rà soát quy định pháp luật còn bất cập trong thanh tra, kiểm tra về công tác biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa; có chế tài xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục ưu tiên xây dựng định hướng chương trình thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có nội dung về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đồng thời, cần tập trung nguồn lực ưu tiên nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định để các chủ thể quản lý và xã hội giám sát.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ