Thực hư “thần dược” giun quế

Không được kiểm chứng, không qua quy trình kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, nhưng nhiều cơ sở hiện vẫn công khai nuôi, trồng, chế biến sản phẩm ruốc, thuốc… từ giun quế. Lo ngại hơn, nhiều cơ sở còn quảng cáo giun quế như một “thần dược” chữa được bách bệnh …

Thực hư “thần dược” giun quế

Giun quế chữa bách bệnh?

Chủ một trang trại ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã nuôi giun quế 10 năm cho biết: “Đã có khoả̉ng 200 người bị bệnh tai biến đến "xin" giun về chữa, phần lớn bệnh đã thuyên giảm.

Cách đây không lâu, một người kinh doanh thuốc ở Hà Nội bị tai biến, phải nhờ người dìu về đây "xin" giun quế chữa bệnh, với giá 300.000 đồng/kg”.

Theo chủ cơ sở này, rượu giun quế cực tốt cho đàn ông, giúp tăng cường sinh lý, nên ngày càng có nhiều người tìm đến trang trại hoặc gọi điện đặt mua giun quế về ngâm rượu.

Mặc dù nhu cầu của người dùng lớn, nhưng cơ sở không dám sản xuất nhiều. Qua tìm hiểu, hằng ngày, trang trại nuôi giun quế bằng phân bò. Sau một tháng, bốc phân đó ra phơi nắng.

Khi giun chui ra, đem nghiền nát, nấu với cám cho lợn ăn. Nhưng khi có "đơn đặt hàng", giun được làm "sạch" để trở thành nguyên liệu ngâm rượu.

Theo tiết lộ của chủ trang trại, giun được cho “leo núi” trong chậu để phân và dịch nhầy trong con giun tiết ra. Tiếp đó, chúng được đưa đi "tắm" trong dung dịch.

Đem sấy trong khoảng 3 giờ để giun khô, teo lại. Quy trình này, thường mất khoảng 2 - 3 ngày. Thời gian ngâm rượu phải mất ít nhất 1 năm. Nếu uống rượu ngâm giun quế chưa đủ thời gian, rượu sẽ có vị tanh, nhớt, gây cảm giác buồn nôn.

Cùng theo lời giới thiệu của chủ cơ sở này, phóng viên có ghé vào trang wedsite: http://traigiunquepht.com. Tại đây, phóng viên ghi nhận trang trại không chỉ nuôi giun mà nuôi gà, lợn, bò,… và giun - vừa làm ruốc, làm thuốc và giun lại có nhiệm vụ “dọn” phân cho những loài được nuôi trong trang trại.

Giun ở trang trại được chế biến dưới nhiều dạng như: Cao tươi kỳ diệu, giun tươi, giun quế sấy khô, dịch giun, phân giun, bột giun quế sấy khô, giun quế đông lạnh,…

Trong những sản phẩm kể trên, đáng chú ý là sản phẩm “Cao tươi kỳ diệu” giá bán 100.000 đồng được chủ cơ sở giới thiệu có tác dụng chữa “bách bệnh” (từ còi xương, bại liệt, viêm gan siêu vi rút B, xơ gan cổ trướng, xơ vỡ động mạch, tăng cường sinh lực, tiểu đường, rối loạn tiền đình…), nhưng chủ cơ sở lại không đưa ra được những giấy tờ chứng minh công dụng của sản phẩm trên do cơ quan chức năng cấp.

Cũng với lời giới thiệu trên, nhiều đấng mày râu đã tìm đến giun quế để mong tăng cường sinh lực, anh Lê Văn Nhân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thấy bạn bè mách uống rượi ngâm từ giun quế sẽ tăng cường sinh lực, nên anh mua về uống thử, nhưng chỉ mới ngửi đã thấy tanh, không thể uống được.

Còn nhiều bà mẹ do quá tin tưởng vào “thần dược” ruốc giun quế, cũng háo hức tìm mua ruốc làm từ giun quế. Song muốn mua loại ruốc này không dễ, vì nguồn cung ứng giun quế ít, giá thành đắt, nên khách hàng thường phải đặt trước cả tháng. Cũng có bà mẹ băn khoăn, cứ nghĩ đến ruốc làm từ giun đã có cảm giác… kinh.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Nguyễn Hồng Siêm - Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội - cho rằng, trên thực tế, nghiên cứu của Hội Đông y Việt Nam cũng mới chỉ ra tác dụng của giun đất chữa bệnh sốt rét, tê bại, chứ chưa có một nghiên cứu nào nói rằng giun quế có tác dụng chữa “bách bệnh” như những lời quảng cáo của nhiều cơ sở nuôi trồng, bán sản phẩm giun quế.

Hơn nữa, giun quế là một loài sống trong phân tươi động vật, tiếp xúc trực tiếp với nhiều ký sinh trùng, lại đang được chế biến thành thức ăn cho người và nhiều loại thuốc cho trẻ em, người già, người ốm, người sinh lý yếu mà quy trình đó không được Bộ Y tế cho phép, thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe là khó tránh khỏi.

Còn với Lương y Võ Toàn Trung - Chủ tịch Hội Đông y Phước Hòa, giun đất (địa long) có vị mặn, tính hàn, theo 4 kinh: Vị, can, tỳ, thận, có công năng thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh, thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù...

Giun đất dùng để trị sốt cao, sốt rét, hen suyễn, viêm phế quản cấp, mạn tính, cao huyết áp, trúng phong, miệng méo, chứng cửu khiếu xuất huyết, ngũ tạng, lục phủ xuất huyết; có thể dùng bôi ngoài để trị mụn nhọt, bệnh quai bị...

Chú ý, đây là vị thuốc có tính hàn, nên những người không phải thực nhiệt thì không dùng được. “Theo kiến thức y học cổ truyền cá nhân tôi, hiện chưa có bài thuốc nào dùng giun đất để chữa bệnh yếu sinh lý đàn ông, bệnh còi xương ở trẻ em… và giun quế cũng vậy!” - Lương y Trung khẳng định.

Ngoài ra, trong thành phần giun đất còn có một độc tố là terrestro-lumbrolysin, có thể gây co giật. Những bài thuốc có sử dụng thành phần này dựa theo nguyên tắc “lấy độc trị độc”, vì thế phải theo liều lượng và phối hợp thuốc nghiêm ngặt.

Thầy thuốc có thể vận dụng gia giảm, điều chế thích hợp với từng người bệnh. Người bệnh không được tự ý sử dụng, bởi không nắm được các chống chỉ định của thuốc, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Giải thích về việc sử dụng giun quế làm rượu thuốc, bác sĩ Nguyễn Minh Lâm (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, uống rượu ngâm giun nguy cơ ngộ độc cao.

Đặc biệt, với loại rượu được coi là “bổ” ở Việt Nam có ngâm các loài bò sát, côn trùng đều tiềm ẩn những yếu tố gây độc. Thực tế, đã có nhiều bài học đáng tiếc xảy ra khi uống rượu ngâm với động vật khiến không ít trường hợp đã tử vong.

Về việc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Lưu Thị Liên - Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội. Bà Liên cho hay, không riêng thuốc bào chế từ giun quế mà bất kỳ loại thuốc nào, nếu dùng để chữa bệnh hoặc để bán trên thị trường đều phải được Bộ Y tế kiểm duyệt và cấp phép.

Chúng tôi sẽ tiến hành thanh, kiểm tra những cơ sở này, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Ngoài ra, theo bà Liên, không chỉ với giun quế mà bất kỳ loại thực phẩm nào cần phải được mua ở những nơi uy tín, được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất, tật mang.

Theo LĐTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ