Mặc dù, chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh quái vật này tồn tại nhưng xung quanh nó lưu truyền nhiều câu chuyện đầy bí ẩn. Một trong số này đến từ California (Mỹ), từng gây xôn xao dư luận một thời.
Bỗng dưng biến mất
Chuyện xảy ra vào năm 1976, nhân vật chính là Cherie Darvell, 25 tuổi, ở Redding, hạt Shasta, bang California, một nhà làm phim nghiệp dư rất quan tâm đến Bigfoot.
Vào một ngày trong tháng 5 năm đó, Darvell bắt đầu chuyến thám hiểm khu vực hoang dã thuộc rừng quốc gia Six Rivers, ở Eureka, hạt Humboldt, California, cùng với một nhóm người, trong đó có bạn trai của cô, Olson và hai nhà làm phim là Ed Bush và Terry Gaston.
Nhiệm vụ của họ là quay những thước phim về quái vật Sasquatch bí ẩn, mà theo lời đồn đang ẩn náu trong vùng. Cả đoàn hướng đến Bluff Creek, nơi nổi tiếng vì từng là địa điểm quay cảnh phim Patterson-Gimlin về Bigfoot vào năm 1967.
Tại một thời điểm nào đó trong chuyến thám hiểm, Darvell được cho là đã tách khỏi nhóm và biến mất không để lại dấu vết. Lập tức, một cuộc tìm kiếm quy mô được tiến hành trong khu vực, nhưng không phát hiện dấu vết nào của cô.
Vào cuối ngày thứ ba của cuộc tìm kiếm, điều kỳ lạ xảy ra khi Darvell lảo đảo bước vào một nhà nghỉ dành cho những người trượt tuyết, cách khá xa nơi cô biến mất, với vẻ hoảng hốt, thất thần, mang theo “một bụi hoa huệ và một cành cây”.
Lúc đầu, cô dường như bị mất phương hướng, không thể nói chính xác về nơi đã ở trong mấy ngày qua. Đến khi định thần lại, cô mới bắt đầu trả lời các câu hỏi, đồng thời kể lại một câu chuyện rất kỳ lạ.
Darvell kể, cô tách khỏi nhóm lúc trời chạng vạng tối, đi lang thang trong rừng vắng và không gặp ai khác, ngoài một Bigfoot to lớn. Quái vật khổng lồ đầy lông lá cao khoảng 3m đứng nhìn người lạ chằm chằm trong giây lát rồi tóm lấy cô, kéo qua khu rừng, đến một nơi mà cô gọi là “hang ổ”.
Trong mấy ngày bị giam giữ, Darvell cho biết, Bigfoot đã mang đến cho cô những món quà gồm quả mọng, hoa, đá, sỏi và những con chim chết, hành động mà theo cô, nhằm thể hiện tình cảm của con quái vật. Ngày nọ, lợi dụng lúc con quái vật đã ngủ, Darvell lẻn ra ngoài, chạy trốn đến nhà nghỉ này.
Sự thực hay trò lừa?
Sau khi câu chuyện kỳ lạ này lan ra, cô được mọi người gọi là “Cô dâu của Bigfoot”. Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương không những không xem xét vụ việc này một cách nghiêm túc, mà còn coi đây là một trò đùa, thậm chí còn đưa đến một vụ kiện tụng.
Theo đó, hạt Humboldt đã kiện hạt Shasta đòi bồi thường phần chi phí 11.613 USD đã bỏ ra trong hoạt động tìm kiếm. Một tường trình trong ấn bản ngày 8/2/1978 của tờ Record-Searchlight nói về trường hợp kỳ lạ này:
Hạt Shasta đã kiện đòi hạt Humboldt phải trả 11.613 USD, chi phí cho cuộc tìm kiếm người được cho là “nạn nhân vụ bắt cóc” của Bigfoot tên là Cherie Darvell vào năm 1976.
Tuy nhiên, thẩm phán Frank Peterson nhận xét, việc tìm kiếm Bigfoot “là một nhiệm vụ vô ích”. Ông cho biết đã từng đi bộ đường dài trên vùng đồi núi ở Bắc California trong gần 50 năm và dấu chân lớn nhất mà ông thấy là của anh trai mình.
Luật sư hạt Humboldt, Raymond Schneider, đã tranh luận trước đó rằng, theo luật tiểu bang, hạt Shasta phải bồi hoàn cho hạt Humboldt trong vụ tìm kiếm và cứu hộ một cư dân của họ.
Còn luật sư Robert Rehberg của hạt Shasta thì phản bác, sự biến mất của cô Darveil phải được xem là một vụ bắt cóc thực sự, mặc dù báo cáo của cảnh sát hạt Humboldt đã cho thấy sự nghi ngờ của họ trong những tường trình ngay từ đầu.
Thẩm phán Peterson phán quyết, một hạt chỉ được nhận bồi hoàn phí tổn từ một hạt khác cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ những người mất tích hoặc những người “đang gặp nguy hiểm đến tính mạng”, chứ không phải cho lĩnh vực điều tra tội phạm.
Theo ông, thuật ngữ “nguy hiểm đến tính mạng” áp dụng cho các nguyên nhân tự nhiên, chẳng hạn như lũ lụt, tuyết rơi dày hoặc các thiên tai khác không phải do con người khác gây ra.
Rehberg cho biết, ông “hài lòng” với quyết định của thẩm phán, nhưng cũng thông cảm với những tình huống khó xử mà các quan chức hạt Humboldt phải đối mặt, từ việc có nên tiến hành tìm kiếm người mất tích, đến xác định xem ai sẽ phải trả chi phí cho công việc này. Rehberg nói rằng, nếu chính quyền hạt Humboldt có quy định Bigfoot là cư dân của hạt Shasta, các cuộc đàm phán về chi phí có thể đã khả thi.
Điều đáng quan tâm là các nhà làm phim đồng nghiệp của Darvell, Bush và Gaston đều tuyên bố họ đã quay được cảnh Bigfoot mang cô ấy đi, nhưng từ chối công bố bằng chứng này. Cuối cùng, Darvell bán câu chuyện của mình cho tờ Weekly World News, với giá 250 USD, rồi sau đó mọi chuyện dần đi vào quên lãng, không còn hấp dẫn như ban đầu.
Theo quan điểm nhiều người, đây chỉ là một chiêu trò quảng cáo, lừa bịp. Thế nhưng, Darvell vẫn khăng khăng cho rằng, những gì xảy ra với cô đều là sự thật. Cho dù thế nào đi nữa, “Cô dâu của Bigfoot” vẫn được những người quan tâm đến Sasquatch xem là một trong những câu chuyện kỳ lạ, không kém phần thú vị.
Bình luận