(GD&TĐ) - Gần đây, dư luận xôn xao về thông tin ở thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng (Sóc Sơn - Hà Nội) xuất hiện cô đồng Đích rất giỏi cúng bái, tìm mộ, chữa bệnh, bắt... ma; người dân từ nhiều tỉnh, thành phố hàng ngày ùn ùn kéo tới như đi xem hội. Nhóm phóng viên (PV) thời sự xã hội của Báo GD&TĐ đã vào cuộc để làm rõ thực hư sự việc và khám phá ra nhiều điều kỳ quái dẫu muốn tin cũng không được mà cười cũng không xong...
Nhà cô đồng Đích không khó tìm. Mới sáng sớm mà cái ngõ nhỏ dài hun hút đã xếp kín xe máy. Bé gái bán hàng nước trong ngõ còn mặc nguyên chiếc áo đồng phục của trường THCS Tân Hưng đưa cho chúng tôi chiếc vé gửi xe và nói: "Cô đang dâng lễ đấy, cô chú có cầu gì thì vào nhanh lên".
Những chuyện không cười nổi trước điện thờ của cô đồng Đích
Kim đồng hồ chỉ đúng 7h sáng, sân nhà cô đồng Đích được căng phông bạt gần kín và đã có khá đông người ngồi chầu trực. Liền sân nhà cô đồng, sân nhà bên cạnh cũng được căng bạt cẩn thận, đó là nơi bán đồ ăn, đồ hàng mã. Một người phụ nữ đứng tuổi đon đả: “2 vợ chồng đi cầu cô hả? Đến bàn đăng ký để nhận phiếu thứ tự đi nào. Xong rồi muốn dâng lễ hay tạ lễ thì vào trong nhà nhé, cô đang làm rồi đấy!”
![]() |
Sân nhà cô đồng Đích lúc 7h sáng: người đã đông dần |
Gian nhà rộng không quá 20 m vuông chen cứng vài chục người người quỳ mọp hoặc đứng vái lia lịa. Một số người đội trên đầu đĩa hoặc khay lễ hoa quả, vàng mã, hương nén và tiền thật, người nào người nấy mặt mũi hết sức căng thẳng, mắt đăm đắm nhìn lên ban thờ hoặc nhìn cô đồng với sự thành kính đến tột độ. Nhóm PV đã lầm khi tưởng thể nào cũng có cảnh bày trí hoành tráng của một gian điện thờ ở nhà cô đồng Đích. Song thực tế chỉ có một bàn thờ gia đình theo đúng nghĩa của một nhà nghèo nơi thôn quê. Cô đồng Đích đang ngồi gật gù trên chiếc phản thấp tè trước ban thờ, lẩm bẩm liên hồi như tụng kinh.
Khi một PV cố len lỏi qua những người đang khấn vái từ cửa để tiếp cận gần khu vực thờ cúng nhằm kín đáo bấm vài kiểu ảnh bằng chiếc điện thoại di động, thì lập tức nhận được vài ánh mắt nhìn chằm chằm thiếu thiện cảm. Thêm nữa, một người đàn ông vẻ mặt không cảm xúc lập tức tiến lại, tỏ ý nghi ngờ ra mặt chiếc điện thoại di động to oành trên tay phóng viên có gì đó “bất thường”. Chỉ đến khi đã liếc được điện thoại đơn giản đang được “chủ nhân” (PV) nhắn tin, gọi điện “bình thường” thì người đàn ông này mới bỏ đi nơi khác (về sau chúng tôi được biết đó chính là chồng của cô đồng Đích).
Bắt chước tất cả mọi người, chúng tôi cũng tỏ ra thành kính chắp tay ngước mặt và nhìn lên ban thờ... Vái thánh thần nào? Chịu. Đã gọi là “cô đồng” thì có thể là “cầu thánh”, nhưng bàn thờ lại bày ảnh bố chồng cô đồng Đích (theo một số người cho biết). Cứ người đằng sau vái như bổ củi vào lưng người đằng trước, tai thì dỏng lên nghe cô đồng ê a khấn từ thánh thần... rồi tới tới tổ tiên dòng họ nhà... cô. Sau khi “liệt kê” một danh sách dài dằng dặc những vị nọ vị kia (có cả “thần Thánh Gióng phóng ngựa lên trời” - lời cô đồng) là đoạn kết cầu phù hộ độ trì cho... gia đình cô, y như chúng ta khấn vái trước bàn thờ gia tiên nhân ngày vọng sóc, chứ tịnh không một lời nào “cầu xin” cho những người khách đang quỳ lạy như tế sao kia.
Kết thúc “bài khấn” (đành đặt tên tạm như thế), cô đồng quay lại, phẩy tay hú họa vào một “tín đồ”: “Nhà bà kia, cầu gì?”. “Tấu lạy cô, chúng con cầu...”. Cô đồng hướng lên ban thờ, mắt lim dim, miệng lẩm bẩm, tay phải cầm 2 đồng tiền âm dương thả xuống cái đĩa con bên tay trái. Chúng tôi chưa kịp nhìn thấy 2 đồng tiền sấp ngửa ra sao, cũng không thấy cô đồng nhìn vào đĩa, nhưng miệng thì phán: “Được, bề trên nhận lời cầu của nhà bà rồi, ra làm lễ tạ đi nhé. Còn nhà anh kia, cầu gì?”. Cứ thế hơn chục người, người làm ăn gặp khó khăn, gia đình lục đục, người bản thân bệnh tật hay gia đình có người đau yếu, người có con em nghiện ngập, người có con đi thi đại học.. đều được cô phán vì thành tâm nên “bề trên” cho... “toại nguyện” (!).
![]() |
Các "tín đồ" đội lễ, dâng hương trước "điện thờ" của cô đồng Đích |
Cuộc "thăm khám" của các "con bệnh... tâm linh"
Ngoài sân giờ đã kín đặc những người là người. Không thể ít hơn con số 100. Chúng tôi phải thực lòng mà nói đó hầu hết là người dân nghèo, lam lũ. Mặt trời tháng 7 đã nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của mình và “tố cáo” tính hình thức của những phông bạt che chắn tạm bợ bên trên. Thế nhưng, hầu như không ai để ý gì đến thời tiết mùa hè nóng bức thêm từng giờ, tất cả đều chăm chú nhìn lên bậc thềm, nơi một cái bàn nhỏ xíu được kê ra, một chiếc ghế xoay (dạng dùng cho văn phòng) cũng nhanh chóng được đưa đến để cô đồng... an tọa.
Khách đến xem bói đều nóng lòng chờ đươc gọi tên. Một bà mẹ dắt đứa con lên quỳ mọp dưới chân ghế cô đồng, nói lí nhí gì đó. Lập tức cô đồng hướng xuống toàn thể khách đang ở sân, xướng to: “À, mẹ con nó ở bên Vĩnh Phúc sang đấy. Con gái. Mới 14 tuổi đầu mà trốn nhà đi chơi với bạn, không chịu học hành gì. Trước đây ngoan lắm đấy chứ. Cái này là ma làm rồi. Thôi, xuống kia lạy các ngài năm nghìn cái, lạy rồi tý cô bắt ma cho”. (!). Nếu không phải đứng giữa những người đang rất sùng bái cô đồng Đích hẳn PV tưởng rằng cô này là người vui tính. Nhưng trong bối cảnh như vậy thì rõ ràng không phải.
Mấy người đàn bà, con gái ngồi cạnh chúng tôi vẫn đang ra sức ca ngợi cô đồng Đích và khoe đã đến hầu cô vài ba lần. Hơn chục khách đã được cô đồng Đích “xem”, phần lớn là hỏi han về đất đai, mồ mả, gia đình con cái, bệnh tật... ít nhất có vài đứa trẻ được cha mẹ dắt đến kêu ca không chịu học hành. Cô đồng sau một hồi lên lớp những đứa trẻ đó rồi bắt chúng đọc số đếm bằng... tiếng Anh. Đứa không biết hoặc đứa không thuộc đều được cô đọc mẫu. “Nghe đồn” cô đồng Đích biết... 8 thứ ngoại ngữ, nhưng nghe cô đọc số bằng tiếng Anh thì PV phải cố hết sức để nhịn cười.
Xem chừng hơn tiếng đồng hồ cho nhiều người, hẳn đã mỏi, cô đồng rời ghế bước xuống dưới thềm, cao giọng với tất cả khách khứa: “Cô là cô nói thẳng, ở đây không có bói toán gì đâu nhé. Ai muốn bói toán thì đi chỗ khác. Cô chỉ xem đất cát, chữa bệnh với tìm mồ mả thôi nhé. Cô là nhà ngoại cảm, cô ăn lộc giời chứ cô... (để không xúc phạm độc giả, chúng tôi đã phải bỏ đi một vài từ đệm không lấy làm “sạch sẽ” của cô đồng)...chẳng lừa ai cả. Đấy, cô đã xem mồ mả cho cả làng này, tìm được hơn 400 cái mộ thất lạc đấy. Trưởng công an xã cô chỉ cho 5 cái tiểu trong nhà, phục cô lắm. Cả nước này cô đã tìm thiếu 24 cái là đủ 5000 cái mộ thất lạc. 2/3 đất nước này biết đến cô. Trong miền Nam, đấy, Quảng Bình, Quảng Trị, Phước Long này, cơm đùm cơm nắm ra ăn chực nằm chờ chỉ mong hầu cô. Bao nhiêu người muốn rước cô đến nhà làm lễ nhưng không phải ai cô cũng đi. Đấy, 13h chiều nay là người ta đến đón cô đi làm lễ đấy...”.
Ngừng lại một chút, cô đồng Đích lại chỉ vào một nhóm người đang ngồi ở đầu chiếu: “Đây này. Con bé này bị ma làm đây này. Mới cưới nhau có 3 ngày thì bị ma ám đấy. Cứ nhắm mắt như ngủ suốt ngày. Đưa đi bệnh viện Hà Nội, bác sĩ bảo trầm cảm, cho thuốc uống. Đấy, uống thuốc thần kinh mà, có 7 viên mà 3 ngày nay không mở mắt ra được, cứ mê man thế đấy. Thôi, không có cho uống thuốc nữa. Thần kinh gì, ma làm. Ma làm đấy. May đến đây kịp đấy...”.
Cô gái “mới cưới có 3 ngày” đã bị “ma làm” chỉ chừng 18-19 tuổi, lại mặc áo trắng đồng phục của một trường THPT, ngồi gần vào “anh chồng” mặt mũi cũng non choẹt như thế, mắt nhắm thiêm thiếp nhưng mí thì động đậy liên tục, khiến PV nhớ tới ngày nhỏ, bị bố mẹ bắt học bài đêm bèn đánh bài lười bằng cách giả vờ ngủ, nhưng lần nào cũng bị phát hiện vì không làm sao mà giữ cho yên cái mí mắt giống người đang ngủ thật.
TIN LIÊN QUAN |
---|