Theo cô Hoàng Thị Hồng Hạnh - GV dạy giỏi cấp tỉnh môn GDCD, Trường THPT số 1 Văn Bàn (Lào Cai) đối với bài “Thực hiện pháp luật” học sinh cần chú ý một số nội dung cơ bản sau:
Nắm vững từ khóa, bản chất vấn đề
Trước hết, các hình thức thực hiện pháp luật, các em cần nắm vững từ khóa để phân biệt 4 hình thức thực hiện pháp luật (Bao gồm: Sử dụng pháp luật; Thi hành pháp luật; Tuân thủ pháp luật và Áp dụng pháp luật). Cả 4 hình thức thực hiện pháp luật này năm nào cũng xuất hiện trong đề thi. Do đó học sinh cần hiểu sâu các tình huống này trong đời sống hàng ngày.
Câu hỏi về các hình thức thực hiện pháp luật này có thể hỏi xuôi cũng có thể ngược, ví dụ: hành vi nào dưới đây là tuân thủ pháp luật/không tuân thủ pháp luật? do vậy, học sinh không chỉ cần học thuộc mà còn cần hiểu bản chất của mỗi hình thức để phân biệt chúng với nhau.
Đặc biệt, các em hay nhầm lẫn giữa hai hình thức thi hành pháp luật và tuân thủ pháp luật khi lựa chọn đáp án. Ví dụ, câu hỏi đưa ra là:
Hành vi trốn nộp thuế thu nhập cá nhân của ông A là không thực hiện pháp luạt theo hình thức nào dưới đây:
a, Sử dụng pháp luật
b, Thi hành pháp luật
c, Tuân thủ pháp luật
d, Thực hiện pháp luật
Thông thường, học sinh sẽ nhìn vào hành vi “trốn thuế” để lựa chọn đáp án c- tuân thủ pháp luật. Nhưng thực tế, đáp án đúng cần lựa chọn là b- thi hành pháp luật. Để lựa chọn được đáp án đúng trong câu hỏi này, các em cần đặt câu hỏi: nếu không có quy định yêu cầu ông A phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì ông A có cần trốn thuế không? Từ đó xác định được nộp thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ cá nhân phải làm – tức là thi hành pháp luật.
Từ phân tích những ví dụ tương tự cho thấy, để phân biệt được 4 hình thức thực hiện pháp luật, không nhầm lẫn các hình thức với nhau, học sinhphải nắm được bản chất của các hình thức này. Nói cách khác, các em phải xác định được từ khóa.
Trong 4 hình thức thực hiện pháp luật, thì Sử dụng pháp luật gắn liền với quyền của công dân, từ khóa của hình thức này là Quyền/được làm/cho phép.
Thi hành pháp luật gắn với nghĩa vụ công dân, từ khóa của hình thức này là phải làm/yêu cầu. Tuân thủ pháp luật gắn với ý thức của công dân, từ khóa của hình thức này là cấm/không làm.
Còn áp dụng pháp luật thường gắn với hành vi của cơ quan/công chức nhà nước có thẩm quyền, dấu hiệu nhận biết quyết định làm thay đổi/phát sinh/chấm dứt quyền và lợi ích của người khác.
Tránh nhầm lẫn các hành vi vi phạm pháp luật
Trong bài này, còn nội dung về Vi phạm pháp luật, học sinh cần lưu ý: Nội dung này có hai phần kiến thức cơ bản là các dấu hiệu vi phạm pháp luật và các loại vi phạm pháp luật.
Thông thường, các em hay mặc định người thực hiện hành vi trái pháp luật và người vi phạm pháp luật. Nhưng trên thực tế, để xác định người thực hiện hành vi trái pháp luật có vi phạm pháp luật hay không, cần đạt đủ 3 dấu hiệu cơ bản sau:
+ Là hành vi trái pháp luật, xâm hại đến những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, một người thực hiện một hành vi đáng bị lên án, vi phạm chuẩn mực đạo đức, nhưng pháp luật không có quy định bảo vệ quan hệ bị hành vi đó xâm hại thì không có căn cứ để khẳng định đó là hành vi trái pháp luật.
Ví dụ: Trước khi luật an ninh mạng ra đời có nhiều hành vi chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân, bôi nhọ nói xấu trên mạng xã hội. Tuy nhiên không có chế tài trong quy định pháp luật về vấn đề này nên dù hành vi đó đáng bị lên án nhưng không tính vi phạm pháp luật bởi quan hệ đó chưa được pháp luật bảo vệ.
Nhưng sau khi có luật an ninh mạng thì hành vi chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân, bôi nhọ nói xấu trên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật, vì đã có các chế tài pháp luật bảo vệ.
+ Do người có đủ năng lực pháp lý thực hiện. Để xác định người có đủ năng lực trách nhiệm pháp lý, cần tìm đủ 2 căn cứ:
Thứ 1, đủ tuổi trách nhiệm pháp lý (từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu mọi trách nhiệm do hành vi trái pháp luật của mình gây ra);
Thứ 2, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, đồng thời tự quyết định và độc lập chịu trách nhiệm hành vi của mình.
Ví dụ: A (đủ 20 tuổi) đột nhập vào nhà B làm hư hỏng đồ đạc. Đây là hành vi trái pháp luật. Nhưng nếu A thực hiện hành vi trong tình trạng tâm thần, không nhận thức, không điều khiển được hành vi của mình; trong trạng thái bị người khác khống chế, đe dọa giết… thì hành vi trên dù trái pháp luật nhưng không vi phạm pháp luật.
Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh cũng lưu ý học sinh, đối với hành vi vi phạm pháp luật có lỗi cố ý hoặc vô ý đưa ra trong những tình huống hàng ngày khiến các em rất dễ nhầm lẫn.
Ví dụ, A điều khiển xe trên đường, cành cây trên cao rơi xuống xe A khiến A không làm chủ được tay lái, va chạm với xe của B đang lưu thông cùng chiều khiến B bị thương nặng.
Câu hỏi đưa ra: Ai xâm phạm đến tính mạng sức khỏe của B? HS thường lý luận là tại cái cành cây rơi xuống mới làm A gây ra va chạm xe với B chứ A không có lỗi. Như vậy, HS chưa tìm ra được ai là người có hành vi tính mạng sức khỏe của B vì HS chưa xác định được lỗi của nhân vật A.
+ Vì vậy, dấu hiệu quan trọng thứ 3 để xác định một người có vi phạm pháp luật hay không là người thực hiện hành vi đó phải có lỗi. Lỗi này có thể là cố ý hoặc vô ý, lỗi vô ý do chủ quan hay khách quan. Khi đã phân biệt được các dấu hiệu nhận biết lỗi của người thực hiện hành vi, thì trở lại tình huống trên - học sinh sẽ dễ dàng xác định được B bị xâm hại tính mạng sức khỏe bởi A.
Các em cần hết sức lưu ý phần Vi phạm pháp luật hay được đưa vào câu hỏi vận dụng bậc cao. Nếu không chú ý sẽ dễ mất điểm ở những câu hỏi này… Ngoài ra, cô Hạnh cũng lưu ý thí sinh khi làm bài cần đọc kĩ tình huống, chỉ xác định hành vi của nhân vật và so sánh với các quy định của pháp luật mà các em được học để xác định câu trả lời.
Không suy diễn tình huống, không phân tích giả định vấn đề bởi những suy diễn, giả định đó có thể làm sai lệch kết quả cần lựa chọn.