Thực hiện nhiều giải pháp đổi mới quản lý giáo dục

GD&TĐ - Trả lời ý kiến cử tri về thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới nội dung này trong thời gian qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về GD-ĐT và trách nhiệm quản lý theo ngành, lãnh thổ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 thay thế Nghị định số 115/2010/NĐ-CP về quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Trong đó, phân định công tác quản lý Nhà nước với quản trị của cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương; tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo cho các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, đổi mới công tác thanh tra giáo dục theo hướng: Chuyển từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý; kiện toàn bộ máy của cơ quan Thanh tra, nâng cao tính chuyên nghiệp. Việc phối hợp giữa Thanh tra giáo dục với Thanh tra Nhà nước ở địa phương được cải thiện; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng; tăng cường giải quyết các vụ việc phức tạp.

Đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) tới 100% cán bộ sử dụng và kết nối tới các sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT đã được xây dựng, đưa vào sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, chính xác và kịp thời cho các cơ quan quản lý GD-ĐT. 100% trường học được kết nối Internet, 80% trường học đã dùng phần mềm quản trị trường học, sổ điểm điện tử được tăng cường sử dụng giúp giảm tải hồ sơ, giấy tờ trong nhà trường.

Theo Nghị quyết 77/NQ-CP, 23 cơ sở giáo dục đại học công lập đã được giao thí điểm tự chủ. Các trường được giao quyền tự chủ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và tài chính; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để hoạt động ngày càng hiệu quả. Kể từ khi Nghị quyết 77/NQ-CP được triển khai, thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành rút ngắn đã giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở các ngành đào tạo mới đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Quy mô tuyển sinh của các trường có xu hướng giảm xuống sau khi tự chủ.

Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Luật ban hành tạo khung pháp lý, thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước; phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, bất cập về điều chỉnh pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua để giải quyết những vấn đề mới phát sinh đối với giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế. Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng đã được thông qua, trong đó có nhiều nội dung đổi mới để phát triển GD-ĐT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ