Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành được gần 2 năm, nhưng về cơ bản, việc thực hiện Nghị quyết đối với ngành Giáo dục còn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều địa phương cho đến thời điểm hiện nay chưa hoàn thành việc phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết; một số địa phương thì đã phê duyệt Đề án nhưng tiến độ triển khai chưa đảm bảo và quá trinh thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Trong bối cảnh ấy, ngành Giáo dục Quảng Trị có thể được đánh giá như là một điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Ngày 15/6/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1322/QĐ-UBND về Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, sắp xếp lại các đơn vị trường học về cơ bản phù hợp với quy mô, hợp lý với từng địa phương.
Tính đến ngày 15/8/2019, sau 1 năm thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, giảm 93 trường học, giảm 95 cấp trưởng và 29 cấp phó.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, ngành Giáo dục Quảng Trị đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở các nhóm lớp độc lập tư thục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân.
Đối với cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo, đã tổ chức lại các phòng chuyên môn từ 10 phòng xuống còn 7 phòng, chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2019.
Việc sáp nhập, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: cơ cấu lại hệ thống hợp lý, tăng quy mô trường học; tinh gọn bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; tiết kiệm ngân sách...
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động sau sáp nhập.
Những giải pháp mà ngành Giáo dục Quảng Trị đã thực hiện để giải quyết những khó khăn về đội ngũ khi thực hiện dồn dịch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh bao gồm: thực hiện tốt công tác tuyên truyền đối với đội ngũ về chủ trương sáp nhập, thông qua nhiều kênh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ; huy động sự ủng hộ và tập trung các nguồn lực để bổ sung, bố trí đội ngũ dôi dư phù hợp, đảm bảo đúng quy định;
Kết hợp đồng thời việc thực hiện tinh giản biên chế đối với những trường hợp đủ điều kiện; điều động, luân chuyển CBQL, giáo viên, nhân viên giữa các trường trong địa bàn hoặc giữa các huyện, thị xã, thành phố; bố trí cho giáo viên, nhân viên tham gia đào tạo lại để bố trí chuyển chức danh nghề nghiệp...
"Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong triển khai thực hiện việc sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chính là sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân các cấp; sự quyết liệt vào cuộc của ngành Giáo dục; huy động tối đa sự ủng hộ của mọi lực lượng trong triển khai.
Đặc biệt, với những nội dung vướng và khó trong thực hiện của địa phương khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp lại, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động báo cáo, đề xuất đưa vào các nội dung xin ý kiến của Hội đồng nhân dân" - Bà Lê Thị Hương - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.