Thực hiện ngay việc “đặt hàng” đối với đào tạo sư phạm

GD&TĐ - Tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) sáng 17-8, để giải bài toán tuyển sinh, đào tạo sư phạm có dấu hiệu “tụt dốc” đang gây ồn ào dư luận những ngày qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tích cực triển khai phương án “đặt hàng” đối với đào tạo sư phạm, tạo cơ chế đảm bảo đầu ra cho người học.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2015 (Ảnh minh họa, theo Thanh Niên)
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2015 (Ảnh minh họa, theo Thanh Niên)

Tôi đồng tình với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh ngành Giáo dục đang phải đối mặt với tình trạng giáo viên ra trường thất nghiệp, đào tạo sinh viên không căn cứ vào nhu cầu thực tế; các trường sư phạm ồ ạt mọc lên, hầu như bình quân tỉnh, thành nào cũng có ít nhất 01 trường sư phạm.

Bên cạnh đó, kỳ tuyển sinh ngành sư phạm vừa qua, điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp, đã làm dư luận hết sinh lo lắng về chất lượng của những giáo viên tương lai. Nếu chất lượng giáo viên không đảm bảo thì không thể đào tạo ra những học sinh có chất lượng được. Đây là thách thức không nhỏ cho ngành Giáo dục trong thời gian tới.

Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng ngành Giáo dục là việc làm cấp bách, cần đề ra các giải pháp để hạn chế tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp thì giải pháp khả thi nhất, đó là “đặt hàng” đối với đào tạo sư phạm. Theo đó, các địa phương cần phải đánh giá nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo từng giai đoạn và hàng năm, báo cáo số lượng cụ thể về Bộ GD&ĐT, sau đó Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm.

Ngoài giao chi tiêu theo nhu cầu của các địa phương, cần phải giao thêm chỉ tiêu đào tạo để dự phòng, tránh tình trạng thiếu giáo viên có thể xảy ra. Trong quá trình đào tạo, nhà nước sẽ hỗ trợ các chi phí học tập cho sinh viên, sau khi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để bố trí việc làm cho các sinh viên.

 Mặt khác, để nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT cần phải quản lý chặt chẽ các trường sư phạm trên cả nước, đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo; nếu các trường không đạt chuẩn chất lượng thì phải tiến hành giải thể.

Việc đào tạo giáo viên ngành sư phạm có sự khác biệt hơn so với các ngành khác, không thể đào tạo theo cơ chế thì trường mà cần phải có sự tác động, quản lý của nhà nước, nhất đảm bảo chất lượng từ khâu đào tạo đến việc bố trí việc làm. Nếu không làm tốt sẽ ảnh hướng không nhỏ đến nền giáo dục và sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định “Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”. Đây là hướng đi mà ngành sư phạm cần phải hướng đến mới có thể nâng cao chất lượng của giáo viên.

Tuy nhiên, việc chuyển hướng này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần phải thực hiện lâu dài, có lộ trình cụ thể, nhất là việc khắc phục tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên ngành giáo dục ở các  địa phương hiện nay, không để xảy ra tình trạng giáo viên hưởng mức lương quá thấp, hợp đồng thì ngắn hạn, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị nghỉ việc. Một khi giáo viên đã không sống được với nghề, không yên tâm công tác thì không thể dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.

Vì vậy, việc thay đổi toàn diện mô hình đào tạo ngành sư phạm hiện nay là cần thiết, quá trình thực hiện sẽ gặp không ít những khó khăn, thách thức nhưng cần phải quyết tâm làm, đồng thời loại bỏ những tư duy lạc hậu, quản lý yếu kém, …mới có thể thúc đẩy ngành Giáo dục phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.