Đào tạo nghề sư phạm không thể vận hành đơn độc

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh năm nay, dư luận vẫn hướng sự quan tâm tới điểm đầu vào của các trường sư phạm. Điểm chuẩn vào một số trường, một số ngành trong hệ thống các trường đào tạo sư phạm còn chưa cao. Một câu hỏi được đặt ra: Đâu thực sự là lời giải cho bài toán về đào tạo nguồn nhân lực sư phạm từng gian nan từ hàng chục năm qua?

Đào tạo nghề sư phạm không thể vận hành đơn độc

Tác động từ tâm lý thực dụng xã hội

Trong khi các trường khối Công an, Quân đội và Y khoa có mức điểm chuẩn cao chót vót từ 29 điểm trở lên thì điểm chuẩn của một số trường, một số ngành đào tạo sư phạm còn chưa cao.

Có thể thấy, về tổng thể, bức tranh tuyển sinh SP cả nước năm 2017 như sau: Các trường tốp trên vẫn đảm bảo nguồn tuyển, nhưng chất lượng tuyển sinh có một vài nơi còn hạn chế (mặc dầu có một số ngành đào tạo GV vẫn thu hút học sinh, như Toán, văn, Ngoại ngữ... vì đây là những ngành mà SV ra trường có cơ hội giảng dạy và thu nhập).

Thực trạng tuyển sinh của các trường địa phương mới là điều làm chúng ta phải suy ngẫm. Để trường hoạt động được thì phải đủ chỉ tiêu tuyển sinh, thế là một số trường sư phạm, nhất là các trường sư phạm địa phương bắt buộc phải tuyển đầu vào với thực tiễn như trên.

Việc tuyển sinh đầu vào ở một số trường sư phạm còn thấp có rất nhiều nguyên nhân: Cơ bản, là cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi học xong ít, khó. Chỉ tiêu tuyển dụng nhỏ giọt, cơ hội trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển dụng viên chức của ngành giáo dục các địa phương không nhiều…

Tháo gỡ bất cập - cái khó phải ló “khôn”

Đề án quy hoạch “ Phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xuất phát từ sư đánh giá sát đúng thực trạng: “ Việc đào tạo đội ngũ giáo viên không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương. - Chất lượng của đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, do vậy việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá diễn ra chậm”.

Giải pháp tháo gỡ bất cập đầu tiên phải tính đến là giảm quy mô đào tạo Sp ở các trường, nhất là trường địa phương (số lượng tuyển sinh còn quá lớn so với các trường Sp trọng điểm). Không chỉ giảm sâu chỉ tiêu đào tạo mà phải sắp xếp tinh gọn, sàng lọc hệ thống các trường sư phạm trên cả nước; đào tạo phải gắn với sử dụng, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập đối với nhà giáo;

Theo PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng, cần phải chủ động, sáng tạo trong tổ chức đào tạo, mở rộng cơ hội việc làm cho SV SP của các trường SP một cách mạnh mẽ. Chẳng hạn, SV Sư phạm cũng có thể học tập bổ sung để tham gia các công việc khác của XH như: dịch vụ du lịch, báo chí, tổ chức sự kiện, quảng bá thương hiệu, chủ động khởi nghiệp... Hay việc học tập liên thông ngang, dọc giữa các ngành trong trường và ngoài trường đối với SV Sư phạm.

Đây có thể coi là giải pháp khả thi, được minh chứng rõ nét: Trong bối cảnh các đại học vùng đa số tuyển sinh sư phạm ảm đạm thì Trường ĐH Sư Phạm ĐN năm nay tuyển sinh khởi sắc hơn các năm, một phần nhờ Trường xây dựng các chương trình liên thông trong và ngoaì trường.

Thí sinh khi đỗ vào học một ngành cử nhân nào đó của Trường thì sau một học kì có thể được học song song một chương trình SP khác, hoặc học một chương trình cử nhân khác của trường, hoặc học một chương trình của trường ĐH thành viên của ĐHĐN (ĐHKT, ĐHNN, ĐHBK... chẳng hạn). VD: một thí sinh trúng tuyển vào học CN Văn hóa học, sau một học kì SV này có thể học một chương trình SP văn học, Lịch sử, địa lí... hay học một chương trình của ĐHKT, hay ĐHNN...

Các SV này chỉ học với thời lượng khoảng 30-40 học phần của chương trình học thứ hai, và khi ra trường được cấp hai bằng ĐH chính qui.

Phần đông dư luận cho rằng, nếu SV sư phạm học xong cũng bố trí công tác như các ngành Công an, quân đội thay cho miễn học phí thì khả năng ngành sư phạm sẽ có được chất lượng đầu vào không thua kém các ngành khác. Khi đó, trách nhiệm của các trường, các khoa sư phạm sẽ bớt khó khăn hơn, chỉ tập trung ở nâng cao chất lượng đầu ra chứ không phải “loay hoay” đối phó ngay ở chất lượng đầu vào.

Lời giải cho bài toán tuyển dụng GV chắc chắn không của riêng ngành GD-ĐT, vì chức năng quản lý nhà nước về GD đã được phân định rõ. Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết vẫn thuộc về các Sở, phòng GD-ĐT với vai trò tham mưu, hay phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo tính khoa học, công tâm trong quy trình tuyển dụng hàng năm. Tại sao các cơ quan tuyển dụng GV lại không có thể chủ động “ đặt hàng” đối với các đơn vị đào tạo và hỗ trợ việc đào tạo?

Song song với đó, các trường SP đẩy mạnh xây dựng liên thông đào tạo, mạnh dạn cắt, giảm đào tạo những ngành đào tạo GV đang thừa; chú ý mở rộng đào tạo GV theo chương trình giáo dục phổ thông mới; Chuyển hướng đào tạo sang bồi dưỡng nâng cao năng lực và cập nhật kiến thức, phương pháp mới cho GV...

Đã đến lúc các trường sư phạm cần phải chuyển hướng đào tạo chất lượng cao, sản phẩm đào tạo phải tinh túy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.Chẳng hạn, hiện nay đang có xu thế đào tạo giáo viên trung học phổ thông dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh để dạy tại các trường trung học phổ thông chuyên, trường quốc tế, trường trung học chất lượng cao.

Đó là sự hội nhập, nâng tầm giáo dục Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ