Thực hiện giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp đồng bộ để giải quyết những bất cập đối với việc dạy và học trực tuyến (trang thiết bị, đường truyền, khung chương trình…).

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch thì việc triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp tất yếu của các nhà trường nhằm duy trì nền nếp học tập và thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, vào thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến với điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ;… đã tác động không nhỏ đến hiệu quả của việc dạy và học.

Tính đến ngày 30/11/2021, chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã huy động được 146,892 tỷ đồng, 30.612 máy tính bảng, 31.305 điện thoại thông minh và 99.479 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác.    

Nhận diện rõ những vấn đề diễn ra trong thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong dạy học trực tuyến đồng thời ứng phó linh hoạt, phù hợp tình hình dịch Covid -19, cụ thể như sau:  

Ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các bài giảng trên truyền hình cho lớp 1, 2 để phát sóng trên các kênh VTV1, VTV2, VTV7 và Đài truyền hình nhân dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng video bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình; tăng cường phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng, có phương án để phát sóng, tiếp sóng trên truyền hình; huy động các nguồn lực, hạ tầng công nghệ thông tin hiệu quả trong dạy học trực tuyến, trên truyền hình.

Phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, cá nhân chung tay ủng hộ, hỗ trợ kinh phí, thiết bị, dịch vụ đường truyền, giải pháp cho hoạt động dạy học trực tuyến, miễn giảm giá cước,… nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên có thể tiếp cận được với công nghệ tốt nhất, an toàn nhất, dễ dàng nhất, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid -19,  chỉ đạo toàn ngành Giáo dục linh hoạt, đa dạng các phương pháp, hình tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid -19, chủ động các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của học sinh bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid -19 vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid -19. Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, chung tay cùng ngành Giáo dục ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực của dịch Covid -19.

Ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; xây dựng và triển khai kế hoạch năm học chủ động, linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em và học sinh các cấp học;

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường nhằm vận dụng linh hoạt, đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid -19, chủ động các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của học sinh;

Tổ chức tập huấn và nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình cho đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm nâng cao năng lực giáo viên về tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình hiệu quả, chất lượng đáp ứng được mục tiêu đề ra trong năm học.

Ban hành các Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021- 2022 ứng phó với dịch Covid -19, trong đó đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với tác động tiêu cực của dịch Covid -19 đảm bảo an toàn trường học, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của trẻ em, học sinh.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến phán ánh của xã hội và không ngừng giám sát, đánh giá tính hiệu quả khi các quy định về dạy học trực tuyến được triển khai trên thực tiễn để có phương án xử lý kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dạy, người học và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.