Thực hiện Chương trình, SGK mới: Cần chú trọng khâu thực nghiệm

GD&TĐ- Là người luôn quan tâm, dõi theo từng bước chuyển động của giáo dục, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận những nỗ lực vượt khó của ngành và đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

TS Vũ Thu Hương trong một buổi dạy Kỹ năng sống cho học sinh Hà Nội khi chưa bùng dịch. (Ảnh tư liệu)
TS Vũ Thu Hương trong một buổi dạy Kỹ năng sống cho học sinh Hà Nội khi chưa bùng dịch. (Ảnh tư liệu)

Đồng cảm với khó khăn của đội ngũ

Theo TS Vũ Thu Hương, liên tiếp hai năm học vừa qua, chúng ta đã chứng kiến khả năng thích nghi vô cùng tốt của giáo viên và học sinh cả nước. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rất nhiều địa phương đã phải ngừng học trực tiếp. Thời gian học trực tuyến nối từ cuối năm học trước sang đến gần hết kì 1 năm 2021 – 2022. Thế nhưng, hầu hết các giáo viên và học sinh ở các địa phương đã tìm được cách thích nghi nhanh chóng với điều kiện khó khăn, tiến hành giảng dạy và học tập online thay cho học tập trực tiếp.

“Giáo viên hiện nay phần lớn đều có ý thức tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu mới. Sự chủ động, tích cực của họ đã góp phần vào thành công bước đầu khi thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, bồi dưỡng phương pháp cho giáo viên cần được đặc biệt quan tâm với kế hoạch đồng bộ, bài bản mới có thể cho kết quả bền vững, lâu dài, mang tính liên thông theo lớp học, cấp học” – TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Trong điều kiện không thuận lợi do dịch bệnh mang lại, giáo viên và học sinh lớp 1, 2 và lớp 6 phải thực hiện chương trình mới với yêu cầu phát triển năng lực là việc không hề dễ dàng. Thay vì yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa, làm bài tập, Chương trình mới đặt ra các chủ đề bàn luận và đánh giá các đóng góp của học sinh.

Cùng với đó, thói quen làm việc áp đặt nhiều chục năm nay, để đội ngũ giáo viên thay đổi, cởi mở và thực hiện Chương trình hiệu quả đòi hỏi nhiều hơn những nỗ lực từ các cấp quản lý đến từng cá nhân nhà giáo, đặc biệt, khi các buổi tập huấn hoàn toàn diễn ra online.

Là người tham gia tập huấn giáo viên nhiều năm, TS Vũ Thu Hương rất hiểu những hạn chế khi các buổi tập huấn diễn ra theo hình thức trực tuyến. Khi đó, những người giáo viên không thể cùng nhau trao đổi, làm các đồ dùng dạy học, các sơ đồ tư duy, bài giảng hay triển khai phương pháp học tập một cách trực tiếp. Đó là những hạn chế rất khó khắc phục của tập huấn online. Hơn nữa, với những cách tiếp cận bài giảng hoàn toàn khác nhau giữa các định hướng giáo dục cũ và mới, việc tập huấn còn phải được tiến hành cẩn trọng hơn để đảm bảo sự thành công của Chương trình.

Tuy còn nhiều khó khăn và bất ổn do điều kiện khách quan và chủ quan nhưng rõ ràng khả năng thích nghi của đội ngũ giáo viên cả nước là rất linh hoạt, đáng ghi nhận.

Tập huấn online khiến giáo viên gặp không ít khó khăn (Ảnh minh hoạ/INT)
Tập huấn online khiến giáo viên gặp không ít khó khăn (Ảnh minh hoạ/INT)

Cần quan tâm đến thực nghiệm Chương trình

TS Vũ Thu Hương cho rằng: Thực tế, việc thực nghiệm chương trình mới là điều quan trọng. Chúng ta nên dành thời gian thực nghiệm chương trình với tập huấn online ở một số địa phương. Trong mỗi chương trình thực nghiệm, chúng ta sẽ tiến hành với những yếu tố mới của Chương trình tổng thể mới.

Việc áp dụng Chương trình và SGK mới đã tiến hành nên không thể dừng lại được. Tuy nhiên, chúng ta không nên đòi hỏi kết quả hoàn hảo trong điều kiện khó khăn chồng chất. Vì thế, thay vì đòi hỏi mọi thứ đều thay đổi và phát triển, hãy để quy trình này diễn ra theo từng bước. Những yếu tố mới của Chương trình sẽ được thực nghiệm dần dần và tiếp cận từ từ vào trường học.

Cần có một lộ trình đầy đủ với các kịch bản áp dụng Chương trình mới khác nhau. Kịch bản 1: Các trường học Online trọn vẹn cả năm học; Kịch bản 2: Học kì 2 năm 2021 – 2022 sẽ được đến trường học trực tiếp; Kịch bản 3: Cả năm, các trường học Online và trực tiếp xen kẽ.

Với các quy trình khác nhau áp dụng với 3 kịch bản trên, sự chủ động tiếp cận Chương trình của giáo viên và học sinh sẽ tăng cao gấp bội so với hiện nay.

TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh: Công tác tập huấn giáo viên nên tập trung vào phương pháp. Bên cạnh đó, chúng ta nên tổ chức xây dựng các clip quay các lớp học thực nghiệm nhỏ, để 1 giảng viên đứng lớp, thể hiện các chi tiết cần lưu ý của Chương trình, các cách đặt vấn đề, các cách đánh giá đóng góp của học sinh, ….Với việc phổ biến các clip tiêu chuẩn và chất lượng này tới giáo viên, sẽ góp phần thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.