Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần sự liên kết hơn giữa các môn học

GD&TĐ - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Đánh giá về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ông Michael Kamil (Mỹ), chuyên gia quốc tế về đọc - hiểu cho biết, chương trình Việt Nam đang xây dựng tiếp cận chương trình các nước tiên tiến trên thế giới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Cần sự liên kết hơn giữa các môn học

Ông có thể đánh giá về những điểm mới và sự tương đồng trong chương trình môn học mới của Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới?

- Tôi là chuyên gia Ngữ văn nên tôi muốn nói đến Chương trình môn Ngữ văn hiện hành của Việt Nam được xây dựng từ khoảng 20 năm trước đây, có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn tập trung khá nặng về phần văn học mà ít kết nối với các môn học khác, đồng thời cũng chưa mang tính ứng dụng thực tế cao. Lấy ví dụ về phần đọc, việc đánh giá khả năng đọc hiểu của học sinh gần như không liên quan đến Toán và Khoa học.

Chương trình môn Ngữ văn mới ngoài việc đọc các văn bản văn học, còn tập trung dạy cho học sinh đọc các tài liệu kỹ thuật. Trong thế giới hiện đại, các phương tiện giao tiếp ngày càng trở nên phức tạp hơn, học sinh cần biết đọc thông tin văn bản một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần dạy cho học sinh đọc các văn bản điện tử và văn bản đa phương tiện.

Với sự phát triển của Internet, mọi người đều có thể thể hiện ý kiến của mình, có rất nhiều thông tin trên mạng, do đó cần phải dạy cho học sinh biết cách tiếp nhận các thông tin, đặc biệt những thông tin dựa trên số liệu, dữ kiện thay vì thông tin dựa trên các ý kiến chủ quan. Đồng thời, cần đảm bảo rằng học sinh có thể đọc và hiểu được các văn bản các môn khoa học khác như Lịch sử, Địa lý…

Các nghiên cứu cho thấy, việc viết các văn bản kỹ thuật cho những môn học khác nhau cũng có nhiều điểm khác nhau. Theo tôi, chương trình môn Ngữ văn mới cần dạy cho học sinh có khả năng đọc những văn bản về mặt kỹ thuật, nhất là trong xu thế các văn bản đó càng ngày càng phức tạp hơn.

Chương trình Ngữ văn mới cũng nhấn mạnh đến 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, kỹ năng đọc hiểu vẫn cần nhấn mạnh nhất, vì nó liên quan đến khả năng của HS khi đọc văn bản. Tuy nhiên chúng ta không nên xem nhẹ phần văn học bởi vì văn học là phương tiện chuyển tải văn hóa, truyền thống, đạo đức…

Ông đánh giá như thế nào về phương pháp dạy tích hợp trong Chương trình phổ thông mới? Làm thế nào để GV và HS cảm thấy hào hứng khi dạy học tích hợp?

- Trên thực tế, thế giới hoạt động không có sự phân chia rõ ràng theo từng lĩnh vực. Do đó, xu hướng dạy học tích hợp giúp cho HS hiểu thế giới theo hướng toàn diện hơn, thực tế hơn, tránh tình trạng khoa học thuần túy, giúp HS thấu hiểu hơn sự phức tạp của các mối quan hệ.

Về môn Ngữ văn trong Chương trình GDPT mới của Việt Nam, tôi tin rằng BST chương trình có lý do đánh giá, lựa chọn các tác phẩm để đưa vào chương trình. Đối với các tác phẩm lựa chọn, học sinh có thể tự lựa chọn tác phẩm này hay tác phẩm khác, dựa trên các tiêu chí đạo đức, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, khi đưa ra một tài liệu nào đó cho HS đọc, cũng cần làm cho HS biết tại sao nên đọc tài liệu đó.

Ông có thể đánh giá về chất lượng, hàm lượng Chương trình GDPT mới? Chương trình này có phù hợp với thế giới hay không?

- Chương trình môn Ngữ văn mà Việt Nam đang xây dựng càng gần với cấu trúc và cách thức xây dựng của các chương trình của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, để chương trình thành công, tôi cũng nhấn mạnh cần có SGK phù hợp, chương trình bồi dưỡng GV tốt.

Chương trình GD hiện hành tập trung chú ý đến từng môn học một cách riêng rẽ, còn chương trình mới có sự liên kết tốt hơn giữa các môn học.

Đối với chương trình của một vài nước người ta ít quan tâm đến văn hóa, vẻ đẹp tự nhiên, đạo đức. Ở Việt Nam và các chương trình châu Á khác như Trung Quốc, Hồng Kông… điểm đó khá mạnh và tốt.

Tôi tin, khi các bạn thực hiện Chương trình GDPT mới, học sinh Việt Nam sẽ bắt nhịp được với sự phát triển của thế giới. Hy vọng tấm bằng tốt nghiệp phổ thông của học sinh Việt Nam sẽ được quốc tế ngày càng đánh giá cao hơn.

Vừa qua, chương trình đã được thực nghiệm ở 6 tỉnh. Một vấn đề được đặt ra là sĩ số HS trong nhiều lớp vùng đô thị quá đông. Theo kinh nghiệm quốc tế, có phương pháp nào để đạt hiệu quả khi đưa áp dụng Chương trình mới ở Việt Nam?

- Đây thực sự là vấn đề. Ở Mỹ chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Chúng tôi nhận thấy rằng với lớp học quy mô nhỏ thì hiệu quả giáo dục cao hơn, nhưng chi phí cũng đắt đỏ hơn. Vì thế, cơ sở vật chất là vấn đề đặt ra với tất cả các quốc gia. Muốn giảm quy mô lớp học cần phải có kinh phí,tăng đội ngũ giáo viên nhưng điều này không phải là dễ dàng.

Với quy mô lớp học lớn, thì có thể chia nhóm. Tôi đã tham gia lớp học chia nhóm ở Việt Nam, tuy nhiên,bàn ghế của lớp học được sắp xếp cứng nên khó đạt hiệu quả. Vì thế ngay cả việc chia nhóm cũng phụ thuộc vào cơ sở vật chất.

Chúng ta có thể hình dung sản phẩm HS của 12 năm nữa kể từ khi áp dụng Chương trình GDPT mới, liệu có đáp ứng được xu hướng phát triển công dân toàn cầu?

- Trong Chương trình GDPT mới Việt Nam đề cập đến 3 vấn đề: Đó là tính tự chủ, tính hợp tác, tính sáng tạo. Bản thân tính hợp tác và sáng tạo đã có sự trái ngược, do đó chúng ta cần tạo ra sự cân bằng để học sinh vừa có khả năng tự chủ và vừa có khả năng hợp tác.

Theo tôi, không hẳn vấn đề này là mâu thuẫn mà là sự hỗ trợ lẫn nhau, vừa có thể làm việc độc lập, vừa có thể hợp tác để tạo ra sản phẩm tốt.

Thực tế trong tương lai, 12 năm nữa, HS cần có những năng lực mới để đáp ứng với sự thay đổi. Chẳng hạn như lúc đó mỗi người không chỉ có một nghề mà còn nhiều nghề, nhiều công việc. Vì vậy họ không chỉ có khả năng tự chủ, hợp tác sáng tạo mà còn nhiều kỹ năng mới. Các kỹ năng đó không thể dạy được, GV phải làm thế nào để HS có khả năng sáng tạo, linh hoạt. Do đó, vai trò GV cũng phải dần dần thay đổi, để làm sao học sinh phải tự có được những kỹ năng đó.

HS Việt Nam đa số chăm chỉ, chú trọng việc học, họ xem việc học là cách để phát triển trong tương lai. Đồng thời, kết quả đánh giá quốc tế cho rằng, năng lực HS Việt Nam khá tốt, đang chuyển từ nhóm kém sang nhóm trung bình khá. Đây là dấu hiệu cho thấy cải cách giáo dục của chúng ta đang theo chiều hướng tốt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo tôi, nên cho phụ huynh biết rõ khi HS học chương trình mới, HS sẽ phát triển phẩm chất và năng lực thông qua các môn học.

Một vấn đề nữa, hãy làm yên lòng phụ huynh rằng Chương trình mới vẫn có sự kế thừa chương trình cũ, giải thích cho họ điểm mới của chương trình mới, cho họ hiểu rằng thế giới đã thay đổi và sẽ còn tiếp tục thay đổi trong tương lai.

Ở Việt Nam có thuận lợi hơn các nước khác, HS khá tôn trọng GV, người dân Việt Nam có truyền thống hiếu học, “tôn sư, trọng đạo”. Vì thế, khi thuyết phục được đội ngũ GV, CBQL sẽ đồng thời thuyết phục được phụ huynh và HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.