Từ khái niệm đến thực tế đào tạo
TS Klaus - Dieter Mertineit, chuyên gia tư vấn quốc tế - cho biết: “Xanh hóa” đào tạo nghề hay “Tiến trình đào tạo xanh” là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Khi đề xuất đến khái niệm này, nhiều người cho rằng, đó là các chương trình dạy các nghề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, ô nhiễm môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… thật ra không hoàn toàn như vậy mà “Tiến trình đào tạo xanh” đang được thực hiện trong quá trình đào tạo nghề ở các cơ sở dạy nghề tại Việt Nam.
Tại Đồng Nai hiện Tổ chức GIZ đang hỗ trợ 4 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn Đức gồm: Kỹ thuật viên cơ khí xây dựng, kỹ thuật viên điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại công nghệ cao và cơ điện tử tại Cao đẳng Nghề Công nghệ quốc tế Lilama 2.
Hỗ trợ thực hiện mục tiêu xanh hóa trong đào tạo đến năm 2020 tại Cao đẳng Nghề Cơ giới và Thủy lợi đã và đang đạt kết quả bước đầu. 4 nghề tại Trường Lilama 2 đã được Phòng Thương mại Posdam cấp thư xác nhận đạt tiêu chuẩn Đức. Mục tiêu xanh hóa trong đào tạo đang được thử nghiệm tại Cao đẳng Nghề Cơ giới và Thủy lợi.
Bà Nguyễn Hòa Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - khẳng định: “Việt Nam cam kết phát triển xanh bền vững”, điều này có nghĩa là các ngành công nghiệp hiện tại phải thân thiện hơn với môi trường.
Các ngành công nghiệp “xanh” mới sẽ được tạo ra, với mục tiêu phát triển hàng hoá, dịch vụ và công nghệ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2020, khoảng 80% số doanh nghiệp trong tỉnh sẽ đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Hình mẫu thân thiện với sinh thái
Những mục tiêu cụ thể, căn cứ vào Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và Kế hoạch Hành động Tăng trưởng Xanh không thể đạt được khi thiếu lực lượng lao động xanh lành nghề.
“Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam” đặc biệt hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thay đổi tư duy và hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường của lao động kỹ thuật tốt nghiệp từ các trường nghề hàng năm.
Bà Britta van Erckelens, Phó Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam cho rằng: Xanh hóa hệ thống GDNN, chỉ có thể thực hiện được khi có sự hợp tác của các doanh nghiệp.
Dựa vào kinh nghiệm từ phía Đức, nhu cầu công việc “xanh” mới phải được phản ánh trong tiêu chuẩn nghề nghiệp. Khối doanh nghiệp phải là những người có tiếng nói quyết định trong xây dựng các chuẩn đầu ra có tích hợp các yếu tố xanh.
Là nhân tố chủ chốt cung cấp lực lượng lao động xanh cho nền kinh tế xanh, các cơ sở GDNN cần trở thành những hình mẫu thân thiện với sinh thái và đóng vai trò tích cực trong các chiến dịch nâng cao nhận thức cho các học viên, cán bộ giảng dạy và quản lý cũng như cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động trồng cây xanh cần trở thành một phần của đời sống trường học và có thể triển khai cùng các công ty đối tác.