Trường nghề, thay đổi để thích ứng với 4.0

GD&TĐ - Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) kết nối các quy trình sản xuất công nghiệp với công nghệ thông tin hiện đại. 

Trường nghề, thay đổi để thích ứng với 4.0

Điều này, đòi hỏi những nỗ lực trong đào tạo để tiếp cận với nghề mới và chuyển đổi nhân lực sang các ngành dịch vụ, các công việc sáng tạo thay vì thực hiện các công việc giản đơn. Chính vì vậy, đối với Việt Nam, CMCN 4.0 đang tạo ra những thách thức đáng kể cho công tác giáo dục nghề nghiệp.

Thay đổi chương trình và tăng cường kết nối

Theo các chuyên gia, để phát huy được sự sáng tạo của mỗi lao động, không còn cách nào khác là phải cải cách, thay đổi ngay từ khâu đào tạo. Nắm bắt yêu cầu, đòi hỏi của cuộc CMCN 4.0 đối với nguồn nhân lực, thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cho biết: Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cao trong công việc, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có những cải tiến trong chương trình đào tạo.

Đối với Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội đã phân tích lại toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường, đưa nội dung đào tạo đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, ngành nghề trọng điểm của nhà trường được mua sắm máy móc công nghệ cao, mới nhất của thế giới, nhằm giúp cho sinh viên tiếp xúc với khái niệm 4.0 cả về lý thuyết và thực hành. Từ đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng bậc cao, đáp ứng sự chuyển biến ứng dụng công nghệ tại các doanh nghiệp.

Thay đổi để thích ứng với CMCN 4.0, thầy Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội - cho rằng: Phải trang bị cho giáo viên và sinh viên nhận thức đồng hành với CMCN 4.0. Sẵn sàng và liên tục thay đổi, đáp ứng, thích nghi, học hỏi để tồn tại. Công tác đào tạo nghề cũng phải nhận thấy mô hình công nghiệp bây giờ không hoạt động tập trung mà có thể sản xuất phân tán trên cơ sở kết nối lại.

“Tiếp cận CMCN 4.0, sắp tới các khoa độc lập tại trường sẽ được kết nối lại với nhau. Tất cả các trang thiết bị, máy móc sẽ thành hệ thống kết nối thông qua Internet, di động. Nhà trường sẽ coi thiết bị công nghiệp như cơ sở sản xuất và phải mô hình hóa cơ sở sản xuất. Nói chính xác là nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại để biến nhà trường thành nhà máy 4.0, để đào tạo sinh viên thích ứng với CMCN 4.0” - thầy Phạm Xuân Khánh nêu rõ.

Tự chủ và đồng hành với doanh nghiệp

Để vượt qua những thách thức từ CMCN 4.0, một trong những giải pháp được TS Horst Sommer - Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam GIZ nhấn mạnh là sự hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp là những người đi đầu chuẩn bị cho CMCN 4.0.Điều này cho thấy sự cần thiết của khối doanh nghiệp, bao gồm các hiệp hội nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng tiềm năng phải có vai trò quyết định trong việc xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp và các chương trình đào tạo, thiết kế, thực hiện và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

Cơ chế phối hợp này giúp cung cấp các chương trình đào tạo gắn liền với việc làm, được công nhận bởi cộng đồng doanh nghiệp và phù hợp với quá trình phát triển công nghệ. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong đào tạo có thể giúp triển khai các giai đoạn đào tạo thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp, nơi các học viên có cơ hội học tập trong môi trường sản xuất thực tế.

TS Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) - chia sẻ: Chính phủ đang chuẩn bị để ứng phó với những thách thức của CMCN 4.0. Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được hưởng cơ chế tự chủ, cho phép họ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khối doanh nghiệp thông qua việc độc lập phát triển các chương trình đào tạo với sự hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp tại địa phương.

Dự báo, diễn biến CMCN 4.0, sẽ có nhiều ngành nghề biến mất, nhiều ngành mới ra đời. Người học nghề có sự phân tầng rõ. Ở cấp đại học, hướng đến sự phát triển sử dụng trí tuệ nhân tạo, mô phỏng. Những người học nghề sẽ thực hiện công đoạn trong các dây chuyền, yêu cầu kiến thức kỹ năng rộng, linh hoạt, không chỉ thuần túy một nghề như trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ