Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức, Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Huỳnh Văn Tý.
Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ nhưng mặt hạn chế đang kìm hãn công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay. Theo nhiều đại biểu, ngoài những yếu kém trong đào tạo, nhân lực lành nghề, có tay nghề còn yếu, sự phân tán của nguồn nhân lực thì chính tư duy nông dân trong lao động và trong tác phong công nghiệp đã khiến sự đổi mới, hiệu quả làm việc của lao động Việt Nam chưa cao.
TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB&XH) cho biết: Trong vài năm qua, chất lượng đào tạo nghề cho công nhân tại các khu công ngiệp. khu chế xuất đã tăng lên rõ rệt. Báo cáo của 63 tỉnh thành nằm 2015 cho thấy, học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt 70%. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo nghề cũng tăng nhanh so với các năm trước.
Tính đến cuối năm 2015, lao động qua đào tạo nghề ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 38,5%/40% (trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề là 25%, đào tạo nghề dưới 3 tháng là 13,5%). Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng 18,5% so với năm 2010.
Theo TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp hiện nay đã kéo theo chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng thấp và có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực.
Ông dẫn chứng: Hiện chúng ta có khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 83,28% tổng số lao động, lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 4,84%, lao động có trình độ trung cấp là 3,61%, lao động có trình độ ĐH - CĐ trở lên chiếm 8,26% (số liệu của Tổng cục Thống kê). Tổng số lao động qua đào tạo nghề trong cả nước đạt 50% nhưng chủ yếu là ở dạng ngắn hạn…
PGS.TS Phạm Văn Sơn - Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (Bộ GD&ĐT) cho rằng, để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu các khu công nghiệp, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm những nhà làm chính sách cần quan tâm đến các vấn đề sau: Xác định mục tiêu, nội dung và cấu trúc chương trình đào tạo; Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; Đẩy mạnh việc hiện đại hóa CSVC, trang thiết bị; Chuyên nghiệp hóa và tiệm cận chuẩn quốc tế trong tổ chức quá trình đào tạo… Có như vậy, việc đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất mới hiệu quả.