Thúc đẩy thực hiện tiêu chuẩn lao động quốc tế tại Việt Nam

GD&TĐ - Phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế đang ngày càng trở nên quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc bảo đảm quyền và lợi ích của mọi đối tượng lao động.

Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, người lao động được bảo đảm quyền và lợi ích (ảnh nguồn ILO)
Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, người lao động được bảo đảm quyền và lợi ích (ảnh nguồn ILO)

Việt Nam tham gia trở lại tư cách thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từ năm 1992 và Văn phòng Quốc gia của ILO được mở tại Hà Nội năm 2003. Từ đó đến nay, Việt Nam và ILO đã hợp tác chặt chẽ với nhau để thực hiện nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có việc phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế; hoàn thiện thể chế quản trị thị trường lao động; tăng cường năng lực cho các đối tác ba bên ở các cấp...

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương lớn, nhất quán của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng năng động và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.

Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 24 Công ước của ILO. Riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm: Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật; và đặc biệt là Công ước số 98 về Áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết gia nhập ngày 14/6/2019 với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Nâng tổng số công ước cơ bản mà Việt Nam tham gia lên 6/8 công ước.

Cùng với việc gia nhập các công ước, Việt Nam cũng thể hiện sự nghiêm túc trong việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế được đề cập trong các công ước vào trong hệ thống luật pháp quốc gia. Ví dụ: một trong những quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động đang được Quốc hội thảo luận, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019 là nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.

Chính phủ cũng nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện các công ước và khuyến nghị của ILO. Riêng năm 2019, Việt Nam có nghĩa vụ báo cáo tình hình thực hiện 9 công ước của ILO, trong đó có 3 công ước cơ bản là Công ước 138, 182 về lao động trẻ em; và Công ước 29 về lao động cưỡng bức.

Trong giai đoạn hiện nay, việc phê chuẩn và thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động cơ bản, do đây cũng là những nội dung được đề cập trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình trong việc tiếp tục gia nhập và thực hiện các tiêu chuẩn lao động của ILO thông qua nhiều văn kiện, kế hoạch, chương trình hành động. Trong đó, cam kết sửa đổi hệ thống luật pháp và tiếp tục nghiên cứu đề xuất gia nhập các công ước của ILO, trong đó có 2 công ước cơ bản là Công ước 105 về lao động cưỡng bức, dự kiến 2020; Công ước 87 về tự do liên kết, dự kiến 2023, cùng với 6 công ước kỹ thuật khác về tiền lương và một số nhóm lao động yếu thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.