Tham dự diễn đàn có 200 thiếu nhi đến từ 11 huyện, xã thuộc địa bàn dự án ENHANCE (Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE tại Việt Nam) và các em thiếu nhi thuộc nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô.
Tại diễn đàn, các em đã cùng nhau tham gia các hoạt động giao lưu, vẽ tranh “Cây ước mơ” để nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề LĐTE và thể hiện nguyện vọng, mong ước của mình.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: LĐTE đã trở thành vấn đề toàn cầu. Hiện nay, theo ước tính của Tổ chức ILO, trên thế giới có khoảng 152 triệu LĐTE. LĐTE tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, tác động không nhỏ đến phát triển KTXH, nhất là chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Việc phải tham gia lao động sớm không những cản trở trẻ em phát triển về thể chất và tâm lý mà còn gây cản trở cho các em trong việc tiếp cận, thụ hưởng nền giáo dục phù hợp và chuẩn bị một tương lai tốt hơn”.
Những số liệu của Điều tra quốc gia về LĐTE năm 2012 cho thấy, Việt Nam có hơn 1,7 triệu LĐTE. 70% LĐTE làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 30% còn lại làm việc trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và dịch vụ. Có 42% LĐTE vừa làm vừa học, 34% phải làm việc hơn 42 giờ/tuần, chính điều này đã tước đoạt cơ hội đến trường của các em.
Nhiều trẻ em đã phải lao động trong các khu vực phi chính thức, các công việc có nguy cơ tai nạn cao, môi trường độc hại, nhiệt độ khắc nghiệt, làm việc ngoài trời.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020 cùng với kế hoạch thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 8.7 nhằm xóa bỏ cưỡng bức lao động và đến năm 2025 chấm dứt toàn bộ các hình thức LĐTE.
“Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á tiên phong hình thành liên minh 8.7 để xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu 8.7, trong đó tập trung giải quyết vấn đề LĐTE trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với LĐTE”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định.
Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam bày tỏ quan điểm: Con đường đi hàng ngày của trẻ em là cần được tới trường chứ không phù hợp với môi trường có thể gây nguy hại để lao động trong thời gian dài. Đó là điều đe dọa với nguồn lao động trong tương lai của đất nước. Trẻ em cần được tự do, cần được hưởng nền giáo dục tốt, cần được học các kỹ năng để nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình. Những ước mơ của trẻ em chính là giá trị dành cho xã hội và tương lai đất nước”.
Ông Chang Hee Lee cho biết, trong những năm vừa qua, công tác phòng chống LĐTE trên toàn thế giới đã đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 2000 - 2016, tỷ lệ LĐTE đã giảm được hơn 1/3, tương đương với khoảng 100 triệu trẻ em thoát cảnh phải lao động sớm.