Theo đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh), bên cạnh những mặt tích cực do Công ước số 98 mang lại thì việc gia nhập Công ước cũng bị ảnh hưởng bởi các thách thức trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển.
Đó là nguy cơ đối mặt với khiếu nại liên quan tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế khi CPTPP và Công ước số 98 là hai hiệp định thế hệ mới, đòi hỏi cơ chế thực thi mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta phải sửa đổi pháp luật và xây dựng bộ máy thực thi đầy đủ, sẵn sàng.
Việt Nam cũng sẽ đối mặt với sự liên kết giữa các nhóm xuyên quốc gia, trong các khiếu nại các tổ chức phi Chính phủ sẽ lên tiếng mạnh hơn khi có các vi phạm liên quan đến thực thi điều khoản trong FTA.
Đại biểu Thạch Phước Bình |
“Một thách thức nữa là cam kết trong CPTPP về Công ước số 98 cho phép các tổ chức của người lao động có quyền đề nghị nhận hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo từ các tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.
Việc quản lý các hoạt động hỗ trợ như thế nào? Quản lý phân định hoạt động của tổ chức đại diện người lao động trong hay ngoài phạm vi quyền lao động là những vấn đề đặt ra và cần có hành lang pháp lý rõ ràng, hiệu quả” – đại biểu Thạch Phước Bình nêu vấn đề.
Cũng theo đại biểu, một thách thức khác là với những cam kết về thương lượng tập thể và mở rộng phạm vi đình công trong CPTPP. Công ước số 98 dự báo tình hình quan hệ lao động, đình công sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, các xung đột trong và ngoài phạm vi doanh nghiệp cũng sẽ diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Để tăng cường hội nhập và hội nhập hiệu quả giữa khu vực và thế giới, giảm bớt các tác động tiêu cực, chúng ta phải chủ động, tích cực đổi mới thể chế, điều chỉnh luật pháp trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các cam kết trong công ước trong đó có các tiêu chuẩn về lao động” – đại biểu Thạch Phước Bình góp ý.
Đại biểu Vũ Trọng Kim |
Tán thành Tờ trình của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và thẩm tra đã báo cáo trước Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) nêu ý kiến: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật, là người đại diện cho công nhân, lao động.
“Tới đây, chúng ta sẽ thành lập các tổ chức đại diện, tức là cho phép các tổ chức đại diện cho người lao động được thành lập. Vấn đề này, cơ sở pháp lý như thế nào?” – đại biểu Vũ Trọng Kim băn khoăn, đồng thời nêu vấn đề:
Tổng liên đoàn nói rõ đã sẵn sàng chưa? Đã chủ động để tham gia vào quá trình hợp tác với các tổ chức xã hội đại diện cho người lao động tới đây hay chưa? Trong đó có sẵn sàng mời người ta tham gia làm thành viên tổ chức của tổ chức Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hay không?
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu |
Khẳng định việc chúng ta gia nhập Công ước số 98 là việc rất cần thiết, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Trước tình hình mới, những năm gần đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã tập trung đổi mới, đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Trong đó, công tác đối thoại và thương lượng tập thể được đặc biệt quan tâm. Ngoài mô hình hiện tại (tức là chúng ta thương lượng tại doanh nghiệp) thì thương lượng ở nhóm doanh nghiệp, thương lượng ở ngành đã được triển khai với rất nhiều mô hình và lợi ích của cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động đều được đáp ứng.