Thúc đẩy nguồn lực xã hội tham gia hoạt động NCKH

GD&TĐ - Ngày 15/4, Hội thảo Thúc đẩy hoạt động NCKH và phát triển nguồn nhân lực NCKH trình độ cao trong các trường đại học được tổ chức tại TPHCM. 

Ban chủ tọa hội thảo "Thúc đẩy hoạt động NCKH và phát triển nguồn nhân lực NCKH trình độ cao trong các trường đại học".
Ban chủ tọa hội thảo "Thúc đẩy hoạt động NCKH và phát triển nguồn nhân lực NCKH trình độ cao trong các trường đại học".

Hội thảo với chủ đề "Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển nguồn nhân lực NCKH trình độ cao trong các trường đại học" do Bộ GD&ĐT cùng Bộ KH&CN phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD Đại học Bộ GD&ĐT cùng đại diện các trường, viện nghiên cứu.

Gia tăng hỗ trợ cho các trường xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh

Tại hội thảo, đại diện các trường, viện nghiên cứu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi các giải pháp cần có để thúc đẩy hoạt động NCKH trình độ cao trong các trường đại học theo Nghị định 109 của Chính phủ. Đồng thời các nhà giáo, nhà nghiên cứu cũng kiến nghị nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ để gia tăng việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học xuất sắc trong bối cảnh mới hiện nay.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: trong giai đoạn từ 2019-2021 nghiên cứu và công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trong 10 nước thuộc khu vực Châu Á (công bố Scopus lĩnh vực Kỹ thuật) có tăng trưởng tốt nhưng chưa bền vững. Nếu như năm 2019 có 3.250 công bố quốc tế thì đến năm 2020 là 5.060 công bố, tuy vậy đến năm 2021 số công bố quốc tế lại sụt xuống còn 4.111 công bố.

Sự sụt giảm này có tính hệ thống chung khi phần nhiều các công bố quốc tế của các trường đại học nhiều quốc gia đều sụt giảm. Tuy nhiên, số nhân lực trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ phục vụ cho công tác NCKH và công nghệ cao tại các cơ sở GDĐH đã tăng nhanh, điều này giúp hoạt động NCKH, chuyển giao trong nhiều lĩnh vực đã tốt hơn.

"Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa nguồn nhân lực NCKH trình độ cao cũng như thúc đẩy hoạt động NCKH trong thời gian tới trong các cơ sở GDĐH, chúng ta cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tài trợ nghiên cứu cho trường đại học hợp tác nghiên cứu với các cơ sở GDĐH, tổ chức nước ngoài. Có chính sách sử dụng quỹ nghiên cứu của doanh nghiệp đào tạo và nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao tại cơ sở GDĐH.

Đặc biệt, có chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm, giúp hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ được hiệu quả hơn.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại hội thảo.

Về quy định, chính sách, liên bộ cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung mô hình, quy định về ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc… giúp các trường hoàn thiện được các nhóm nghiên cứu mạnh của mình" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nói.

Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự nhìn nhận: Nghị định 109 có thay đổi sâu sắc hơn so với Nghị định 99. Sự đổi mới có quy định rõ hoạt động KHCN cho các trường đại học, đây là điều kiện giúp các cơ sở GDĐH đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao.

Tuy nhiên, theo ông Nam hiện các trường chưa thực hiện tự chủ tài chính, nguồn lực đầu tư cho hoạt động NCKH vẫn còn rất nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các trường có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động NCKH, cũng như phát triển nguồn nhân lực NCKH trình độ cao trong các trường đại học.

"Chính phủ cần đầu tư mạnh cho nhóm nghiên cứu mạnh, có chính sách đầu tư thích đáng cho các cơ giáo dục. Bởi theo nghị định mới, vai trò của nhóm nghiên cứu mạnh bao trùm nhiều hoạt động khoa học trong nhà trường và có vai trò rất lớn.

Hiện nay Nghị định 109 đã vận hành, nhưng các cơ sở giáo dục đại học vẫn gặp khó trong việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp. Tôi đề nghị Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn để huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp vào trường học. Bởi thực tế những vướng mắc về quy định vẫn khiến cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hoạt động KHCN chưa nhiều"- ông Nam nói.

Cần quan tâm hơn đến nhân lực khoa học giáo dục và xã hội

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, Bộ KH&CN cần có đánh giá tổng kết việc triển khai thực hiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở 7 chương trình trọng điểm, bởi 7 chương trình đã thực thi trong suốt 10 năm qua.

Việc đánh giá nhằm có cơ sở và cứ liệu để lựa chọn lại các chương trình mới trong việc phát triển nhân lực khoa học, cũng như để các nhà khoa học định hướng lại hoạt động nghiên cứu trong bối cảnh hội nhập và thay đổi nhanh chóng hiện nay.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đóng góp ý kiến tại hội thảo.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đóng góp ý kiến tại hội thảo.

"Thực tế hiện nay cho thấy xu hướng triển khai và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có độ vênh nhất định. Nhóm ngành, chương trình đào tạo nhân lực khối khoa học giáo dục, xã hội & nhân văn vẫn chưa được quan tâm và chú trọng…

Nếu chúng ta vẫn quá chú trọng đào tạo nhân lực các nhóm ngành khác mà không quan tâm tới chất lượng nhân lực nhóm ngành khoa học giáo dục, xã hội & nhân văn sẽ rất dễ dẫn đến thiếu hụt nhân lực chất lượng lĩnh vực này" -GS Huỳnh Văn Sơn nói.

Nhìn nhận chia sẻ của GS Huỳnh Văn Sơn là đúng, Thứ trưởng Bộ GD&T Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh đã nêu rõ trong Nghị định 27 nên các trường cứ căn cứ vào đó mà triển khai.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến dành ngân sách cho khoảng 60-70 đề tài nghiên cứu thuộc nhóm khoa học giáo dục, xã hội & nhân văn… Đây là cơ sở để các trường đại học thuộc Bộ GD&ĐT quan tâm và mạnh dạn đăng ký thực hiện nhằm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho nhóm ngành này.

Đánh giá những đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ quản lý các trường là xác đáng, nhiều hàm lượng khoa học và rất đúng với thực tế hiện nay, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết sẽ ghi nhận tất cả mọi kiến nghị, đóng góp, nhằm sớm có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc thúc đẩy hoạt động NCKH cũng như phát triển nguồn nhân lực NCKH trình độ cao ở các trường.

Nói về việc huy động nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động NCKH trong các trường đại học, ông Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện có nhiều tổ chức đề nghị Quỹ phát triển khoa học công nghệ Quốc gia (Nafosted) xây dựng nguồn quỹ tài trợ từ xã hội, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học.

"Việc các tổ chức xã hội sẵn sàng hỗ trợ giúp đẩy mạnh quy mô tài trợ cho NCKH để đạt các mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam.

Đây rõ ràng là điểm đáng quan tâm. Về cách thức và cơ chế vận hành nguồn quỹ này, Bộ KH&CN đang nghiên cứu nhưng có thể theo mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm (venture fund) để sớm có nguồn lực đầu tư lớn bên cạnh ngân sách Nhà nước"- ông Đạt nói.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết Bộ sẽ sớm phối hợp các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính phù hợp theo đặc thù của ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế, chấp nhận rủi ro và độ trễ, để các nhà khoa học bớt khó trong vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.