Hoạt động NCKH thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ GD đại học

GD&TĐ - Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường đại học phục vụ cho nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Qua đó, kết hợp giữa đào tạo với ứng dụng tri thức khoa học vào đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) thi Robocon
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) thi Robocon

Phát huy vai trò chủ động của sinh viên

Trường ĐH Vinh là đơn vị có truyền thống và uy tín về đào tạo sư phạm. Trong bối cảnh hội nhập, đổi mới giáo dục và đào tạo, nhà trường từng bước tái cấu trúc, trở thành một trường đại học đa ngành trong đó sư phạm là ngành chính.

Đến nay, Trường ĐH Vinh là đơn vị có số lượng sinh viên lớn nhất tại Nghệ An với hơn 11.000 người. Trong đó, sinh viên hệ sư phạm Trường Đại học Vinh chiếm gần 27%, hệ cử nhân khoa học chiếm khoảng 51% và hệ kỹ sư chiếm gần 22%.

Với số lượng đông, sinh viên trường đã phát huy vai trò chủ động góp phần tăng cường hiểu biết, kỹ năng... Đặc biệt, các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học được chú trọng, giúp sinh viên học tập, ứng dụng kiến thức đào tạo vào thực tiễn cũng như khởi nghiệp.

Trong đó, nổi bật như diễn đàn định hướng cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Giới thiệu sinh viên khá, giỏi tham gia các đề tài NCKH cùng với giảng viên.

Từ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Vinh sản xuất nước rửa tay kháng khuẩn phát miễn phí cho người dân phòng dịch Covid
Từ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Vinh sản xuất nước rửa tay kháng khuẩn phát miễn phí cho người dân phòng dịch Covid

Những năm gần đây, sinh viên Trường ĐH Vinh tham gia nghiên cứu khoa học có bước chuyển biến rõ rệt cả về quy mô lẫn chất lượng. Đã có 154 đề tài của sinh viên được tham gia Hội nghị NCKH cấp trường, 19 đề tài được tham gia NCKH Cấp Bộ, trong đó có 2 đề tài của sinh viên Viện KHXH&NV và Viện SP Tự nhiên đạt giải Nhì.  Có 1 đề tài của sinh viên Viện Công nghệ Hóa – Sinh, Môi trường lọt vào chung kết giải thưởng nghiên cứu Euroka 2020 và đạt giải Khuyến khích.

Vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) tổ chức thành công cuộc thi Robocon cho sinh viên. Tham dự cuộc thi có 5 đội đến từ các khoa: Điện, Điện tử, Cơ khí chế tạo, Cơ khí Động lực, Công nghệ Thông tin.

Trước đó, trong thời gian nhà trường phát động cuộc thi, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo giảng viên và sinh viên các khoa. Các đội thi nhanh chóng được thành lập, nỗ lực nghiên cứu, chế tạo robocon.

Theo TS. Lê Khắc Bình – Trưởng phòng Khoa học – Hợp tác Quốc tế (ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh), đây là hoạt động thường niên nhằm trang bị các kỹ năng nghề nghiệp, thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Qua mỗi năm, cuộc thi càng thêm sôi nổi, sản phẩm ngày càng hoàn thiện thể hiện sự nỗ lực sáng tạo, khám phá, ứng dụng của các đội tham gia. Từ đó, giúp các kỹ sư tương lai có thêm những kỹ năng quý báu, thiết thực, là hành trang cho các bạn lập nghiệp sau này.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với hợp tác quốc tế

Bên cạnh việc mở rộng hợp tác trong nghiên cứu với các đối tác trong nước, các trường ĐH tại Nghệ An hiện cũng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, trao đổi giảng viên, sinh viên. Qua đó, góp phần vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng, bắt kịp xu thế hội nhập. Đây cũng là một trong những đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đại học những năm gần đây tại Nghệ An.

Trường ĐH Vinh có nhiều hoạt động ký kết hợp tác quốc tế
Trường ĐH Vinh có nhiều hoạt động ký kết hợp tác quốc tế

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng – Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh khẳng định: Thông qua chương trình hợp tác, nhiều nội dung đã được triển khai, tạo điều kiện cho cán bộ, SV được tham gia các chương trình trao đổi, các dự án quốc tế hay các chương trình đào tạo khác. Trường Đại học Vinh định hướng xây dựng thành nhà trường thông minh, hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế. Với vai trò và vị thế của mình, trường sẵn sàng là đầu mối, kết nối, phối hợp các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế để thực hiện “đơn đặt hàng” về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An cũng như cả nước.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) là một trong những trường đào tạo thực hành có uy tín trong khu vực và cả nước. Tuy nhiên, trước năm 2016, sinh viên NCKH chủ yếu ở hoạt động làm đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp.

Trong những năm gần đây, Nhà trường đã quan tâm hơn đến kết quả nghiên cứu và sáng tạo cũng như đầu tư cho công tác NCKH. Kết quả, hoạt động NCKH của sinh viên tăng dần lên cả về số lượng và hoàn thiện dần về chất lượng. Tập trung vào những đề tài thuộc chuyên ngành mà sinh viên được học, góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn xã hội có liên quan đến đào tạo của nhà trường như: điện, cơ khí, điều khiến tự động khóa, điều khiển từ xa...

Để bảo vệ quyền lợi, sản phẩm hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng như giảng viên, Trường ĐH SPKT Vinh cũng xác định các loại hình sở hữu trí tuệ tại trường. Cụ thể gồm: Sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, bản quyền tác giả, bản quyền phần mềm. Từ năm 2019, Trường đã đưa ra dự thảo quy trình hướng dẫn liên quan bao gồm Quy trình chuyển giao công nghệ và Quy trình đăng ký Sở hữu trí tuệ.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh tổ chức cuộc thi Robocon thường niên, tạo sân chơi nghiên cứu khoa học cho sinh viên
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh tổ chức cuộc thi Robocon thường niên, tạo sân chơi nghiên cứu khoa học cho sinh viên

TS. Phạm Hữu Truyền – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh cho hay, tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường xác định NCKH và chuyển giao công nghệ là một hoạt động chính để xây dựng và quảng bá thương hiệu của nhà trường. Trong đó, nhà trường xây dựng các nhóm NCKH mũi nhọn từng ngành và liên ngành để xây dựng kế hoạch chiến lược, phát triển các đề cương nghiên cứu. Thành lập và đẩy mạnh hoạt động Trung tâm ươm tạo KHCN trực thuộc Trường.

Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Trong việc thiết lập hợp tác quốc tế, tất cả biên bản ghi nhớ đề có nội dung về hợp tác NCKH. Nhà trường cũng đã ký hợp đồng hợp tác với một số đối tác về cải tiến công nghệ, cung cấp thiết bị, bồi dưỡng cán bộ... Trong đó, phía đối tác đã có sự hỗ trợ kinh phí rất lớn cho cán bộ và SV nhà trường trong nhiều hoạt động như: trao đổi đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề quốc tế; cấp học bổng; hỗ trợ trực tiếp trang thiết bị dạy học....

Theo Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, các sản phẩm NCKH đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ giảng viên và sinh viên, thúc đẩy đổi mới có hiệu quả công tác đào tạo tại nhà trường. Với những sản phẩm có khả năng thương mại hóa, nhà trường đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An để gửi chào hàng đến các doanh nghiệp. Qua đó, đã thu hút các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu và đã triển khai ký kết đặt hàng chế tạo sản phẩm. Một số đề tài thực hiện có sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp và sản phẩm nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn. Trong quá trình tuyển chọn đề tài, nhà trường cũng ưu tiên những đề tài có sản phẩm có khả năng thương mại hóa sản phẩm.

TS. Phạm Hữu Truyền cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, đối với sinh viên, chúng tôi không đặt ra mục tiêu chính là hiệu quả ứng dụng lớn. Mà quan trọng hơn là giúp sinh viên biết khi thực hiện NCKH phải làm như thế nào. Trong quá trình đó, các em được định hướng, hình thành ý tưởng, có phương pháp tư duy, lên kế hoạch nghiên cứu và đưa ra cách thức triển khai. Những kỹ năng được hình thành trong nhà trường này, cũng sẽ phát huy tác dụng trong tương lai khi các em lập thân, khởi nghiệp. Năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp chính là sự khẳng định tốt nhất chất lượng đào tạo của nhà trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ