Thúc đẩy liên kết 4 'nhà' phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo là yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Đẩy mạnh giáo dục STEM ở bậc trung học tạo tiền đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Ảnh: TG
Đẩy mạnh giáo dục STEM ở bậc trung học tạo tiền đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Ảnh: TG

Ngoài cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo, khuyến khích tự đào tạo, tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo là yếu tố quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt các ngành Công nghệ cao.

Tạo mối quan hệ cộng sinh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng mạng lưới liên kết hợp tác với trên 120 doanh nghiệp, gần 800 hợp tác xã/trang trại và trên 700 trường THPT; trong đó có Tập đoàn Thái Bình Seed (Thái Bình). Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn cho biết, đơn vị có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp với Học viện. Ngoài tiếp nhận sinh viên thực tập, trao học bổng; công ty còn tạo cơ hội việc làm cho sinh viên.

“Chúng tôi tham gia hỗ trợ, góp ý vào quá trình đào tạo và xây dựng chương trình, nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp là người sử dụng lao động nên biết cần đào tạo gì cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc”, ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh đồng thời cho rằng, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, biện chứng và hỗ trợ lẫn nhau.

Thực tế cho thấy, các cơ sở đào tạo cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tổ chức ngành nghề để thu thập thông tin về yêu cầu kỹ năng và kiến thức hiện tại. Từ quan điểm này, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, tăng cường mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt các ngành công nghệ cao. Khi ba thành phần này hợp tác chặt chẽ sẽ tạo ra hệ sinh thái đào tạo và phát triển nguồn nhân lực toàn diện, hiệu quả.

GS.TS Chử Đức Trình phân tích, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các chính sách, cơ chế và khung pháp lý hỗ trợ sự phát triển của ngành Công nghệ cao. Điều này bao gồm việc cung cấp các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính cho dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo ra chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhà nước cũng đóng vai trò kết nối, khuyến khích và điều phối hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Trong khi đó, doanh nghiệp là đơn vị sử dụng lao động nên họ sẽ hiểu rõ nhất yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong ngành Công nghệ cao.

Hợp tác với các doanh nghiệp giúp cơ sở giáo dục đại học định hướng xây dựng chương trình đào tạo, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kiến thức và kỹ năng thực tiễn, phù hợp với nhu cầu thực tế. Doanh nghiệp cũng có thể cung cấp cơ hội thực tập, tài trợ học bổng, hỗ trợ các dự án nghiên cứu, góp phần tạo ra môi trường học tập và làm việc thuận lợi cho người học.

Thêm vào đó, cơ sở đào tạo là nơi cung cấp nền tảng kiến thức và kỹ năng cho nhân lực tương lai. Vì thế, trường đại học cần linh hoạt trong việc cập nhật chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường, đồng thời phát triển các chương trình hợp tác với doanh nghiệp để cung cấp khóa học thực tiễn, chương trình thực tập và dự án nghiên cứu liên quan. “Hợp tác với doanh nghiệp cũng giúp các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của ngành Công nghệ cao”, GS.TS Chử Đức Trình nhìn nhận.

thuc-day-lien-ket-4-nha-2-6244-9199.jpg
Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường

Thúc đẩy liên kết

Cần tạo điều kiện cho sinh viên tham gia dự án thực tế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ nêu quan điểm và nhấn mạnh: Thiết lập các chương trình thực tập và hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có thể áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn là điều cần thiết.

Các chương trình này nên bao gồm cả cơ hội thực tập ngắn hạn và dài hạn, giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm làm việc, xây dựng mạng lưới nghề nghiệp. Tích hợp dự án thực tế vào chương trình học, trong đó sinh viên có thể làm việc theo vấn đề cụ thể tại các tổ chức hoặc doanh nghiệp.

Những dự án này không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực hành, mà còn nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Mặt khác, khuyến khích người học tham gia vào các nghiên cứu ứng dụng và dự án cộng đồng có liên quan đến chuyên ngành. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tác động của nghiên cứu đối với cộng đồng và xã hội, đồng thời cải thiện khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn.

Thúc đẩy liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học, chuyên gia - Nhà doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực công nghệ cao là gợi mở của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Câu lạc bộ mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Để có nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, một số nơi đã triển khai chương trình như: Gửi lao động đi đào tạo ở nước ngoài hoặc đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước, liên kết đào tạo vừa học vừa làm theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và hỗ trợ nhà trường trong đào tạo.

“Liên kết giữa các trường đại học, doanh nghiệp với các viện nghiên cứu là thực tế tất yếu khi đào tạo theo nhu cầu, đơn “đặt hàng” của doanh nghiệp. Cũng từ yêu cầu của doanh nghiệp, nhà trường phải liên tục cập nhật thông tin, cải cách chương trình giảng dạy, đầu tư trang thiết bị mới”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Đề xuất tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Công nghệ cao giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, GS.TSKH Dương Quý Sỹ - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực cho rằng, việc đầu tiên là xây dựng mô hình hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp công nghệ cao với cơ sở đào tạo. Muốn vậy, các bộ, ngành chủ quản cần có chính sách định hướng cho cơ sở đào tạo thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua hợp đồng giữa hai bên.

Trong đó, tập trung tham gia vào quá trình đào tạo, cải tiến - phát triển chương trình mang tính đồng bộ, phát triển chương trình thực tập và trải nghiệm thực tế. Đồng thời, tăng cường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (đào tạo theo đặt hàng, đào tạo ngắn hạn và cập nhật công nghệ cao cho doanh nghiệp), phản hồi về năng lực của người học qua hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp.

Cũng theo GS.TSKH Dương Quý Sỹ, cần phát triển các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao trực thuộc cơ sở đào tạo công nghệ cao. Chính phủ và các bộ, ngành chủ quản cần có chính sách, thể chế khuyến khích thiết lập các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Thông qua đó, doanh nghiệp công nghệ cao hợp tác sâu rộng hơn với trường đại học để hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, cung cấp tài nguyên, tài chính và cơ hội thị trường.

Các Hiệp hội doanh nghiệp, Hội đồng thương mại cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực công nghệ và chất lượng cao. Chủ trương này nên thông qua việc đầu tư tài chính, hợp tác song phương, đặt hàng đào tạo, đào tạo theo địa chỉ nhân lực đặc thù trong lĩnh vực chuyên ngành.

Ngoài ra, Chính phủ, bộ, ngành chủ quản cần có cơ chế, chính sách tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ đáp ứng mục tiêu, chương trình quốc gia về công nghệ cao.

Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo công nghệ, chương trình chất lượng cao, giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Khuyến khích doanh nghiệp cung cấp tài trợ hoặc học bổng cho sinh viên xuất sắc, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

thuc-day-lien-ket-4-nha-4-5238-9636.jpg
Hội thảo quốc tế về nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại Trường Đại học Phenikaa hồi tháng 5/2024. Ảnh: TG

Đầu tư cho chương trình đào tạo

Gợi mở giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ, cần xây dựng và đầu tư cho những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, ưu tiên bậc đại học và sau đại học ở một số trường đại học lớn, trọng điểm. Theo đó, đầu tư cho đội ngũ giảng viên, học bổng cho sinh viên đại học và sau đại học, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Nhấn mạnh nguồn lực con người là quan trọng nhất, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về công nghệ cao. Có chính sách thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia nhóm nghiên cứu mạnh tại một số trường đại học, viện nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu này là hạt nhân gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực.

Mặt khác, cần đổi mới chương trình đào tạo, thúc đẩy các môn STEM và đào tạo nền tảng khoa học cơ bản mạnh với các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ cao. Bởi khoa học cơ bản là nền tảng để phát triển các công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Đồng thời ưu tiên và thúc đẩy nghiên cứu lĩnh vực công nghệ cao, mũi nhọn, trọng điểm trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Mặt khác, đổi mới tuyển sinh bậc đại học, trong đó có tuyển sinh chương trình công nghệ cao, đi đôi với đẩy mạnh giáo dục, đào tạo các môn STEM ở trường trung học, làm tốt công tác hướng nghiệp đối với học sinh.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Chử Đức Trình cho rằng, cần phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao mới nổi như: Trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học... Ngoài ra, khuyến khích tự đào tạo và đào tạo liên tục là yếu tố thiết yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh công nghệ biến đổi nhanh chóng.

Theo GS.TS Chử Đức Trình, mục tiêu chính là duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn, đảm bảo nguồn nhân lực luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường; đồng thời thúc đẩy sự phát triển cá nhân. Với giải pháp này, có thể kỳ vọng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và thích ứng. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nhà trường chú trọng cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo, khuyến khích tự đào tạo nhằm thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Qua đó, giúp sinh viên tham gia các dự án thực tế và phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu. Chúng tôi cập nhật chương trình đào tạo theo hướng linh hoạt, phản ánh những thay đổi và xu hướng mới trong các lĩnh vực chuyên môn. - GS.TS Chử Đức Trình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Thằng… 'ba trợn'

Truyện ngắn: Thằng… 'ba trợn'

GD&TĐ - Cái ngõ nhỏ chỉ khoảng hơn chục gia đình từ xưa tới nay sống yên bình. Bỗng dưng xuất hiện một thằng 'ba trợn' đến thuê trọ nhà bà Sinh cuối ngõ.