Địa chỉ tin cậy
Học viện có gần 1.300 cán bộ, trong đó có 12 giáo sư, 81 phó giáo sư, 350 tiến sĩ, 489 thạc sĩ. Trên 90% giảng viên và nghiên cứu viên được đào tạo sau đại học tại các nước có nền giáo dục đại học và KH&CN tiên tiến như Úc, Mĩ, Hà Lan, Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Ailen,…
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có đủ nguồn lực, sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ, các trọng trách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành, các địa phương và bà con nông dân tin tưởng giao phó.
Học viện và đội ngũ cán bộ của mình nhận thức sâu sắc vai trò của sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”, hình thành một thế hệ nông dân làm nông nghiệp một cách chuyên nghiệp và góp phần phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo vô tận của người dân nông thôn Việt Nam để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Một trong những yêu cầu trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam là đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội. Phù hợp với yêu cầu này, ngoài các ngành nghề đào tạo truyền thống về nông học, chăn nuôi, thú ý, nuôi trồng thuỷ sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở các ngành về kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh; các ngành về công nghệ như: công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí,…
Bên cạnh đó, Học viện cũng đào tạo nhiều ngành, chuyên ngành thuộc khoa học xã hội và sư phạm như: Ngôn ngữ Anh, Luật (Luật Kinh tế), Xã hội học, Sư phạm Công nghệ…
Tiếp tục theo đuổi xu hướng trở thành trường đại học đa ngành, những năm gần đây Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn bám sát yêu cầu về nguồn lực của thực tiễn để mở ra các ngành đào tạo mới như: Dược liệu, Du lịch,…
Trong đó có nhiều ngành đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghiệp 4.0 như: Kinh tế số, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo… Mặt khác, Học viện đã xây dựng, phối hợp với một số trường đại học nước ngoài thực hiện một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, liên kết đào tạo: như Kinh tế tài chính, Công nghệ sinh học...
Chính vì vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự trở thành địa chỉ cho không chỉ con em nông dân ở khu vực nông thôn mà cho tất cả các lực lượng xã hội, ở tất mọi miền tổ quốc vào học tập, rèn luyện đáp ứng nhu cầu về nguồn lực phong phú, đa dạng của xã hội Việt Nam hiện nay.
Không ngừng đổi mới
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đã, đang và không ngừng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thời gian thực tập của người học; đồng thời tiến tới đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo, chú trọng e-learning và các khoá ngắn hạn về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Học viện đang xây dựng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao làm nơi xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để sinh viên liên tục cập nhật công nghệ. Học viện cũng phát triển giảng dạy theo hình thức trực tuyến, với thư viện điện tử, thư viện ảo, giảng đường ảo, thầy ảo, phòng thực hành thì nghiệm ảo...
Phương pháp đào tạo của Học viện cũng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, từ học bài sang hướng dẫn học để người học chủ động tư duy phản biện. Thậm chí, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang mạnh dạn thực hiện mục tiêu: Đào tạo người có thể làm được những việc không được đào tạo.
Chất lượng đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được công nhận bằng kết quả kiểm định Học viện năm 2017 và năm 2023, ngoài ra 10 chương trình đào tạo cũng đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN.
Không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn, với triết lý giáo dục: Rèn Luyện, Hun Đúc Nhân Tài, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn trang bị cho người học các kĩ năng mềm như: Kỹ năng khởi nghiệp, Kĩ năng hội nhập quốc tế, Kĩ năng tìm kiếm việc làm, Kĩ năng lãnh đạo, Kĩ năng quản lý… cùng nhiều kĩ năng mềm khác để người học thích ứng với môi trường xã hội, môi trường công tác và phát triển bản thân sau này.
Để bảo đảm nhu cầu đào tạo các kĩ năng này, Học viện đã lập Trung tâm Đào tạo kĩ năng mềm thực hiện đào tạo 16 kĩ năng khác nhau. Trong đó, sinh viên buộc học tập 1 số kĩ năng nhất định, những kĩ năng khác do sinh viên tự lựa chọn.
Cùng với đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng lập Trung tâm Đào tạo Tin học thực hiện đào tạo 12 chương trình như: Ứng dụng CNTT cơ bản và nâng cao, Chứng chỉ ICDL, SEO Digital & Maketing Lập trình web… để đáp ứng nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, Trung tâm Ngoại ngữ và đào tạo quốc tế của Học viện được ra đời để đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh ngoài chương trình đào tạo chính khoá. Với phương thức đào tạo đó, người học được phát triển toàn diện, thích ứng với mọi môi trường lao động của xã hội.
Gắn với đào tạo nguồn lực chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ. Hiện nay, Học viện có 46 nhóm nghiên cứu mạnh và 15 nhóm doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin off); 2 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu; 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2017 và 2 Bệnh viện nông nghiệp lớn nhất cả nước (Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng).
Do vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, được hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tin tưởng hợp tác. Qua đó và cùng với các phương thức khác, đa số các sản phẩm khoa học công nghệ của Học viện đã được được ứng dụng tại các địa phương trong cả nước.
Cùng với đào tạo nguồn lực chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành trường đại học đi đầu trong khởi nghiệp nông nghiệp, là lĩnh vực khởi nghiệp khó do có nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài.
Hành trình khởi nghiệp nông nghiệp được Học viện gắn với phát triển sản phẩm quốc gia, triển khai, nghiên cứu làm chủ công nghệ về giống, quy trình canh tác theo chuỗi giá trị; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất quy mô hàng hóa;
Đồng thời Học viện tham gia cùng với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; phát triển công nghệ sinh học, triển khai nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học thế hệ mới;
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy mô hàng hóa; nghiên cứu và áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính…
Để đi đúng hướng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực sự của cuộc sống, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang bám sát, nắm bắt nhu cầu lao động của các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Một loạt các hội thảo về Chuyển giao công nghệ - Dịch vụ xã hội – Đào tạo nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ 4.0, Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn… đang được Học viện phối hợp tổ chức. Đó không chỉ là bằng chứng cho thấy sự sẵn sàng mà còn là một cam kết của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo nguồn lực chất lượng cao với cả cộng đồng, xã hội.
Học viện có khuôn viên rộng, xanh, sạch, đẹp nhất Thủ đô với diện tích gần 200 ha và hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, gồm: gần 170 phòng học thông minh, 52 phòng thí nghiệm (trong đó có 6 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO), 82 mô hình khoa học công nghệ,… Đặc biệt, Học viện thành lập Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo với 20 phòng nghiên cứu hiện đại, chuyên sâu, đây là nơi hoạt động của các nhóm Nghiên cứu tinh hoa, Nghiên cứu xuất sắc, Nghiên cứu mạnh với mục tiêu tạo ra các sản phẩm đột phá cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thư viện của Học viện có gần 30.000 đầu sách, tạp chí và kết nối với thư viện của nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới; khu ký túc xá của Học viện khang trang, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho gần 5.000 sinh viên; khu liên hợp thể thao đa dạng với hệ thống sân cỏ nhân tạo, phòng tập gym, hệ thống sân golf.