Thúc đẩy KH-CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên

Thúc đẩy KH-CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên

(GD&TĐ) - Sáng 30/3, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Câu lạc bộ Khoa học – Công nghệ các trường ĐH Khoa học kỹ thuật và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học “Các trường ĐH Kỹ thuật với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên”. Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Măng Đung cùng hơn 200 nhà khoa học đến từ 17 trường ĐH kỹ thuật, các trường ĐH, CĐ; các sở, ban, ngành 5 tỉnh Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo với mục đích giới thiệu một số kết quả chính trong nghiên cứu khoa học (NCKH), triển khai công nghệ nhiều năm qua của các nhà khoa học thuộc các trường ĐH khối kỹ thuật – Công nghệ (KT-CN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, đây là dịp để các nhà khoa học, cán bộ khoa học, cán bộ quản lý các sở, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trao đổi, thảo luận những vấn đề nghiên cứu đang đặt ra trước mắt cũng như lâu dài tại vùng Tây Nguyên. Từ đó, đề xuất những mô hình phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ NCKH; nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương, góp phần xây dựng các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên ngày càng vững mạnh.

PGS.TS Trần Đình Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Chủ tịch luân phiên CLB nhấn mạnh: Mặc dù, có nhiều lợi thế nhưng hiện nay tài nguyên rừng của Tây Nguyên đang bị cạn kiệt do khai thác không được kiểm soát. Đất đai bị rửa trôi xói mòn ngày càng nhiều do tập quán canh tác chưa được cải thiện, nghèo kiệt đất do lạm dụng phân bón hóa học. Suy giảm đa dạng sinh học, mực nước ngầm bị hạ thấp, một số khoáng sản bị khai thác không kiểm soát được. Chỉ số phát triển con người, thu nhập bình quân đầu người và chất lượng dân số còn thấp. Trong nhiều năm qua, hoạt động khoa học công nghệ của các trường ĐH khối KT-CN đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiểu tỉnh, thành trong cả nước; trong đó, có 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Các kết quả nghiên cứu đã từng bước đi vào đời sống, phục vụ phát triển KT-XH các tỉnh trong khu vực góp phần “thực hiện triển khai công tác nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội. Với điều kiện địa lý tự nhiên và nhiều đặc điểm về kinh tế - xã hội rất khác biệt so với các vùng miền khác trong cả nước, bởi vậy, trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên rất cần được đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu: “Nhận thức tầm quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước ta luôn có những quan tâm đặc biệt đến đầu tư, duy trì ổn định và phát triển KT-XH, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật cho 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 10 về phát triển KT-XH, trong đó yêu cầu các bộ, ban, ngành tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp cho Tây Nguyên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế năng động, phát triển của cả nước. Nhờ đó, trong những năm qua, Tây Nguyên ngày càng phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc đã được nâng lên một bước đáng kể, GD&ĐT, KH&CN đã từng bước khởi sắc và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội thảo khoa học lần này, nhằm tập hợp sức mạnh trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học hướng tới xây dựng và giải quyết những vấn đề KH-CN, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học các trường ĐH khối KT-CN đã tiến hành thảo luận, bàn thảo nhiều vấn đề gắn với sự phát triển KT-XH các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: công việc điều tra, quy hoạch tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên đất, các vấn đề giao thông, xây dựng, nông – lâm nghiệp và các vấn đề môi trường…Đặc biệt là những đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước vùng Tây Nguyên” của PGS.TS Đoàn Văn Chánh, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy Trường ĐH Mỏ - Địa chất; “Một số giải pháp kỹ thuật nâng cao giá trị gia tăng của nông sản và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: cơ hội và triển vọng hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội” của nhóm các nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; “Một số giải pháp công nghệ ứng dựng năng lượng mới và tái tạo cho khu vực Tây Nguyên – Việt Nam” của nhóm nghiên cứu Trường ĐH kỹ thuật – Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên); “Một số kết quả về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu của các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2007-2011” của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội; “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn Tây Nguyên” của Trường ĐH phòng cháy chữa cháy; “Nghiên cứu quy trình tưới tiết kiệm nước, biện pháp giữ ẩm cho cà phê” của Trường ĐH Thủy lợi; “Đề xuất công nghệ mới nâng cao hiệu quả cấp nước của hồ chứa bằng van lật tự động thủy lực trục dưới trong điều kiện khí hậu biến đổi khó lường” của Trường ĐH Xây dựng. Theo đó, có gần 40 tham luận khác cũng đã được các nhà khoa học trình bày, lấy ý kiến đóng góp của hội thảo.

Nhiều “vấn đề nóng” được các nhà khoa học đưa ra bàn thảo nhằm đề ra giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Nhiều “vấn đề nóng” được các nhà khoa học đưa ra bàn thảo nhằm đề ra giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.

Với mong muốn các trường ĐH khối KT-CN tiếp tục xây dựng được các chương trình nghiên cứu, hoặc liên kết trường để giải quyết những vấn đề quan trọng, khó khăn. Theo đó, hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ phải gắn với nhiệm vụ đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực tại địa phương. Các trường ĐH khối kỹ thuật có trách nhiệm chung tay giúp đỡ các trường ĐH, CĐ khu vực Tây Nguyên trong việc đào tạo, NCKH. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đề nghị: “Bộ KH&CN mà trưc tiếp là Ban KH-CN địa phương, Vụ KHXH&TN, Chương trình Tây Nguyên 3, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng quan tâm, tạo điều kiện để các trường ĐH nói chung và các trường ĐH khối kỹ thuật nói riêng kết hợp với các tỉnh khu vực Tây Nguyên xây dựng, thực hiện các chương trình, đề tài, dự án NCKH. Nhằm không chỉ phục vụ phát triển KT-XH những năm trước mắt, mà còn đảm bảo phát triển bền vững cho tương lai lâu dài. Các nhà khoa học cần tiếp tục tăng cường đầu tư, nghiên cứu hơn nữa, bám sát những đòi hỏi từ thực tế của các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biết là các vấn đề nghiên cứu phải đáp ứng được những đặc thù cơ cấu kinh tế của vùng Tây Nguyên như: cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, phát triển thủy điện, bảo vệ môi trường và đặc biệt là phát triển tiềm năng du lịch dồi dào của vùng đất giàu điều kiện tự nhiên và văn hóa. Từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm nghiên cứu và có thể sớm chuyển giao kết quả đến các nhà quản lý, các doanh nghiệp và tận tay đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”.

Phan Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.